Mức phạt cao nhất khi sản xuất phân bón nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là gì?
Mức phạt cao nhất khi sản xuất phân bón nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là gì?
Căn cứ Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP có xác định mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón như sau:
Vi phạm quy định về sản xuất phân bón
...
6. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng địa điểm trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.
Theo đó, mức phạt cho hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Cụ thể, đối chiếu với quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền tại Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại chương IV của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, mức phạt cao nhất khi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón được xác định là 70 triệu đồng đối với cá nhân và 140 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Mức phạt cao nhất khi sản xuất phân bón nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện để được công nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là gì?
Căn cứ Điều 41 Luật Trồng trọt 2018, Điều 12 Nghị định 84/2019/NĐ-CP và điểm k khoản 1 tiểu mục I Mục A Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:
- Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất:
+ Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;
+ Có nhà xưởng kết cấu vững chắc;
+ Tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng.
- Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón: Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP;
- Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất:
+ Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025;
+ Hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón.
- Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng:
+ Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương;
+ Đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
- Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;
- Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
Quy định mới về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trồng trọt khi nào có hiệu lực?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 31/2023/NĐ-CP về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.
...
Như vậy, theo nội dung quy định nêu trên thì quy định mới về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trồng trọt được áp dụng từ ngày 28/7/2023.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?
- Mẫu Quyết định khen thưởng nhân viên xuất sắc dịp Tết cuối năm? Tải về Mẫu Quyết định khen thưởng?
- Từ năm 2025, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông, người lái xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu?
- Mẫu Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc tách công ty mới nhất? Tải về file word mẫu biên bản họp?
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?