Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025 được tổ chức vào thời gian nào? Thành phần hội đồng kiểm tra?
Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025 được tổ chức vào thời gian nào? Thành phần hội đồng kiểm tra?
Ngày 19/02/2025, Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ra Quyết định 42/QĐ-LĐLSVN về việc tổ chức Kỳ kiểm tra và thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025.
TẢI VỀ Quyết định 42/QĐ-LĐLSVN
Theo đó, việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025 được thực hiện vào các ngày 06, 07, 08/6/2025 (Thứ 6, Thứ 7, Chủ nhật) cho người tập sự hành nghề luật sư đã hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của pháp luật, được Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư đề nghị cho tham dự Kỳ kiểm tra.
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Quyết định 42/QĐ-LĐLSVN thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025, gồm các Luật sư có tên sau đây:
(1) Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;
(2) Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;
(3) Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;
(4) Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;
(5) Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa – Thành viên Hội đồng kiểm tra;
(6) Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên Hội đồng kiểm tra;
(7) Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – Thành viên Hội đồng kiểm tra.
Trên đây là thông tin về kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025!
Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2025 được tổ chức vào thời gian nào? Thành phần hội đồng kiểm tra? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc hành nghề luật sư là gì?
Nguyên tắc hành nghề luật sư được quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, cụ thể như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
- Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
- Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
Điều kiện làm Luật sư hiện nay như thế nào?
Về tiêu chuẩn luật sư, được quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 như sau:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Trong đó:
Đối với đào tạo nghề Luật sư:
Căn cứ khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Luật sư 2006 quy định về đào tạo nghề luật sư như sau:
- Có Bằng cử nhân luật và được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư;
- Hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư theo thời gian đào tạo mà pháp luật quy định là mười hai tháng và được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
Đối với cơ sở đào tạo nghề luật sư được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 123/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp;
- Cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Tuy nhiên việc đào tạo nghề luật sư vẫn có ngoại lệ, tại Điều 13 Luật Luật sư 2006 quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, bao gồm:
- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật.
- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
- Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Trường hợp người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, việc công nhận tại Việt Nam được quy định tại Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BTP theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đối với tập sư hành nghề luật sư được quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 đã sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Luật sư 2006 như sau:
- Người đã có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người được miễn đào tạo nghề luật sư phải tham gia tập sư hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư.
- Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng trừ trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư được quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012.
Đối với cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 đã sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật Luật sư 2006 như sau:
- Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe;
+ Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;
+ Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư 2006.
- Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe;
+ Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật, trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
+ Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.



Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thù lao môi giới bất động sản là gì? Mức tiền thù lao môi giới bất động sản tối thiểu là bao nhiêu?
- Công thức tính diện tích xung quanh và thể tích của hình lăng trụ đứng? Yêu cầu cần đạt đối với học sinh lớp 7 khi học hình lăng trụ đứng là gì?
- Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non có biển báo dấu hiệu nhận biết là gì? Khi đưa đón trẻ em mầm non phải bố trí mấy người quản lý?
- Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về tình mẫu tử? Viết đoạn văn về tình mẫu tử?
- Hướng dẫn xem giá Pi niêm yết cập nhật mới nhất? Tiền ảo Pi Network có phải là tài sản theo quy định hiện hành?