Hồ sơ, thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2022?
Hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 10/2022/TT-NHNN quy định như sau:
Hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế
Hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế bao gồm:
1. Đơn đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hồ sơ pháp lý của tổ chức phát hành bao gồm: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và các văn bản sửa đổi (nếu có).
3. Bản chính hoặc bản sao phương án phát hành trái phiếu quốc tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng quy định hiện hành về điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
4. Bản chính hoặc bản sao văn bản phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và điều lệ của tổ chức phát hành.
5. Bản chính hoặc bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật đối với các chương trình, dự án đầu tư của tổ chức phát hành; kế hoạch tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại khoản nợ của tổ chức phát hành sẽ thực hiện bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế.
6. Báo cáo về nội dung liên quan đến việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật (áp dụng đối với tổ chức phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền).
7. Báo cáo về việc đáp ứng giới hạn vay nước ngoài theo quy định về điều kiện vay nước ngoài (nếu có); đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành tại thời điểm cuối 03 tháng gần nhất trước ngày nộp hồ sơ đăng ký khoản phát hành (tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Bản sao văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (áp dụng đối với tổ chức phát hành là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán).
9. Bản sao tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt thỏa thuận liên quan đến đợt phát hành trong đó có thông tin về điều kiện, điều khoản trái phiếu được phát hành; thông tin về việc thu tiền bán trái phiếu, thanh toán gốc, lãi, phí trái phiếu; tổ chức là đại diện bên cho vay (nếu có); các đại lý liên quan tùy theo cấu trúc của đợt phát hành.
10. Bản sao tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt các hợp đồng hoặc thỏa thuận khác (nếu có) mà tổ chức phát hành ký với bên nước ngoài ràng buộc nghĩa vụ trả phí liên quan đến khoản phát hành.
Như vậy, hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh phải bao gồm các văn bản, tài liệu trên.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2022? (Hình từ internet)
Thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2022/TT-NHNN quy định như sau:
Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ
1. Tổ chức phát hành gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư này theo 01 trong 03 cách thức sau:
a) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước;
b) Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước;
c) Gửi qua dịch vụ bưu chính.
Cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 (khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2022/TT-NHNN).
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 10/2022/TT-NHNN quy định trình tự thực hiện thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế như sau:
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế
1. Trước khi thực hiện chào bán trái phiếu:
a) Sau khi phương án phát hành trái phiếu quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật và chậm nhất 20 ngày làm việc trước khi tổ chức phát hành thực hiện chào bán trái phiếu trên thị trường quốc tế, tổ chức phát hành gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế theo quy định tại Điều 6 Thông tư này (trừ các thành phần hồ sơ nêu tại khoản 8, khoản 9 và khoản 10) đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối);
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận hạn mức phát hành. Trường hợp từ chối xác nhận hạn mức phát hành, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.
2. Khi thực hiện chào bán trái phiếu:
a) Trường hợp giá trị khoản phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm, sau khi lựa chọn các tổ chức bảo lãnh phát hành, các đại lý và tư vấn pháp lý liên quan đến khoản phát hành và trước ngày xác định giá trái phiếu, tổ chức phát hành nộp các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 6 Thông tư này. Đối với các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 6 Thông tư này, tổ chức phát hành gửi các bản dự thảo lần cuối có quy định chi tiết các điều kiện có liên quan của trái phiếu (sau đây gọi tắt là hồ sơ sơ bộ);
b) Sau khi các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 6 Thông tư này được ký chính thức giữa các bên liên quan, tổ chức phát hành hoàn thiện hồ sơ đăng ký khoản phát hành với các thành phần hồ sơ chính thức theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 6 Thông tư này. Trường hợp kết quả của đợt phát hành làm thay đổi các thông tin tại Phần thứ ba Đơn đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế, tổ chức phát hành cập nhật và gửi lại Đơn đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế.
Trường hợp các hợp đồng, thỏa thuận ký chính thức có nội dung khác với các dự thảo đã gửi Ngân hàng Nhà nước và không trái với các quy định của pháp luật liên quan, tổ chức phát hành gửi văn bản báo cáo rõ các nội dung thay đổi giữa hợp đồng, thỏa thuận chính thức và các dự thảo lần cuối tại hồ sơ sơ bộ đã gửi Ngân hàng Nhà nước.
3. Thời gian xử lý thủ tục đăng ký khoản phát hành:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sơ bộ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp cần làm rõ, bổ sung hoặc chỉnh sửa nội dung có liên quan, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức phát hành hoàn thiện hồ sơ đăng ký khoản phát hành;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chính thức theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế theo Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này gửi tổ chức phát hành. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.
Như vậy, thủ tục đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh được thực hiện theo các trình tự trên.
Xử lý hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng?
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 10/2022/TT-NHNN việc xử lý hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng được thực hiện như sau:
Trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước khi xử lý hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng
1. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này, Vụ Quản lý ngoại hối làm đầu mối, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đơn vị có thẩm quyền thanh tra, giám sát an toàn vi mô đối với tổ chức tín dụng đề nghị đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế), Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý hồ sơ đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế của tổ chức tín dụng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Vụ Quản lý ngoại hối:
a) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp ý kiến giám sát đối với việc tuân thủ quy định của pháp luật về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng được gửi xin ý kiến. Phạm vi ý kiến giám sát bao gồm ý kiến đối với các chỉ tiêu riêng lẻ và các chỉ tiêu hợp nhất của các tỷ lệ, giới hạn mà tổ chức tín dụng báo cáo tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị liên quan khác thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp ý kiến về các nội dung nằm trong phương án phát hành trái phiếu quốc tế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được gửi xin ý kiến.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2022 (trừ quy định về cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).
Thông tư 10/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/9/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?