Giáo viên được cử đi đào tạo 3 tháng có được hưởng lương và phụ cấp không? Đi dạy 10 năm được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo tính như thế nào?
Giáo viên được cử đi đào tạo 3 tháng có được hưởng lương và phụ cấp không?
Trường hợp giáo viên không phải là viên chức, mà là giáo viên hợp đồng thì về chế độ lương thưởng, phụ cấp trong thời gian được cử đi đào tạo, sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên.
Trường hợp giáo viên là viên chức, căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật Viên chức 2010 có định:
Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng
...
2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.
Như vậy, chế độ lương và phụ cấp của giáo viên là viên chức được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian được cử đi đào tạo.
Đồng thời, xem xét các quy định pháp luật về chế độ phụ cấp. Thì căn cứ điểm b khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC có quy định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:
2. Điều kiện áp dụng
...
b) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;
- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.
Theo đó, trường hợp được cử đi đào tạo trong nước mà từ dưới 3 tháng thì không thuộc trường hợp không được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Còn trường hợp, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên (khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP), thì không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong thời gian đi đào tạo này.
Ngoài ra về phụ cấp thâm niên nhà giáo, pháp luật có quy định như sau tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 77/2021/NĐ-CP:
Thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
...
2. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian tập sự.
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên.
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
d) Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
...
Theo đó, trường hợp thời gian đi đào tạo vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Giáo viên được cử đi đào tạo 3 tháng có được hưởng lương và phụ cấp không? Đi dạy 10 năm được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo tính như thế nào? (Hình từ Internet)
Đi dạy 10 năm được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo tính như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Mức phụ cấp thâm niên
1. Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
2. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng:
Mức tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng (x) Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ (x) Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Như vây, mức phụ cấp thâm niên phụ thuộc vào số năm có đóng bảo hiểm xã hội, hệ số lương theo chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, mức lương cơ sở. Mà không đơn thuần chỉ căn cứ vào số năm đi dạy của nhà giáo.
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là viên chức hiện nay được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 33 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đối với viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ quản lý, thay đổi chức danh nghề nghiệp hoặc nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
2. Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ quản lý, chức danh nghề nghiệp, yêu cầu bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm:
a) Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý;
b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;
c) Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức quy định chi tiết về nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức làm việc trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập và giáo viên là viên chức có trách nhiệm thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 225-QĐ/TW về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ra sao?
- Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không phải khai tổng hợp trong những trường hợp nào?
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?