Giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không? Giáo viên đánh học sinh thì có bị buộc thôi việc hay không?
Giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không?
Căn cứ vào Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định như sau:
Ứng xử của giáo viên
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
3. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
4. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
5. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Theo đó, mọi giáo viên đều phải tuân theo 5 quy tắc ứng xử như trên.
Trong đó, giáo viên không được xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại học sinh.
Như vậy, việc giáo viên đánh học sinh là đã vi phạm quy tắc ứng xử của giáo viên. Do đó, theo quy định trên thì giáo viên sẽ không được quyền đánh học sinh.
Giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không? Giáo viên đánh học sinh thì có bị buộc thôi việc hay không?
Giáo viên đánh học sinh thì có bị thôi việc hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
Theo như các quy định nêu trên thì giáo viên không tuân thủ quy tắc ứng xử của giáo viên, cụ thể ở đây là có hành vi đánh học sinh và đã bị nhắc nhở bằng văn bản thì sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách.
Nếu như đã khiển trách mà giáo viên vẫn tái phạm thì sẽ bị cảnh cáo hoặc lần đầu đánh học sinh nhưng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị cảnh cáo.
Trường hợp, giáo viên đánh học sinh đã bị cảnh cáo rồi mà vẫn tái phạm thì sẽ bị buộc thôi việc hoặc lần đầu đánh học sinh nhưng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng sẽ bị buộc thôi việc.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp, giáo viên đánh học sinh sẽ bị buộc thôi việc.
Giáo viên đánh học sinh thì có bị xử phạt gì không?
Căn cứ vào Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Như vậy, giáo viên đánh học sinh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai đối với học sinh mà mình đã đánh trừ trường hợp người bị đánh hoặc đại diện hợp pháp của người bị đánh yêu cầu không xin lỗi công khai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?
- 1 năm có bao nhiêu tuần học? Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024 2025 của các địa phương ra sao?
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?