Diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất tại địa bàn tỉnh Điện Biên là bao nhiêu?
- Điều kiện để được phép tách thửa đất tại tỉnh Điện Biên?
- Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tại tỉnh Điện Biên?
- Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên?
- Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất phi nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên?
Điều kiện để được phép tách thửa đất tại tỉnh Điện Biên?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Quy định được ban hành kèm theo Quyết định 34/2019/QĐ-UBND và Điều 2 Công văn 3480/UBND-TH năm 2019 quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; diện tích tối thiểu được tách thửa và diện tích đất xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Điện Biên quy định về điều kiện để được phép tách thửa đất tại tỉnh Điện Biên cụ thể như sau:
(1) Điều kiện chung: Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) theo quy định của Luật Đất đai.
(2) Điều kiện thực hiện tách thửa đối với hộ gia đình, cá nhân:
a) Việc tách thửa đất để hình thành thửa đất mới phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai năm 2013.
b) Trường hợp tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại Quy định này để hợp với thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng thì diện tích của thửa đất mới sau khi hợp thửa phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được quy định tại Điều 9 Quy định này. Việc giải quyết cho tách thửa trong trường hợp này phải được xử lý đồng thời với việc hợp thửa đất và cấp giấy chứng nhận cho thửa đất mới.
c) Quy định tách thửa có hình thành đường giao thông;
Thửa đất hình thành sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu hoặc phải xây dựng đường giao thông theo quy định (không bao gồm trường hợp tách thửa để hợp vào thừa đất liền kề đã tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu và tách thửa đất đối với đất nông nghiệp). Trường hợp khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng thống nhất thỏa thuận đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp Theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực.
d) Khi giải quyết hồ sơ tách thửa đất, chủ sử dụng đất phải hoàn thành việc xây dựng đường giao thông; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước và đấu nối với đường giao thông hiện hữu.
(3) Điều kiện thực hiện tách thửa đối với tổ chức: việc thực hiện tách thửa phải theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt hoặc theo dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng và bản vẽ tổng mặt bằng kèm theo nội dung thiết kế cơ sở của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Tách thửa đất
Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tại tỉnh Điện Biên?
Tại khoản 1 Điều 9 Quy định được ban hành kèm theo Quyết định 34/2019/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; diện tích tối thiểu được tách thửa và diện tích đất xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Điện Biên quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất đối với đất ở tại tỉnh Điện Biên cụ thể như sau:
Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở:
- Đối với đất ở tại đô thị diện tích tối thiểu thửa đất sau khi tách là 40,0m2 (không bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông) chiều rộng mặt tiền tối thiểu là 3,0 mét; chiều dài (chiều sâu) tối thiểu là 5,0 mét.
- Đối với đất ở nông thôn quy định cụ thể như sau:
Đất ở thuộc các khu vực bám mặt đường là đầu mối giao thông của các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; trung tâm huyện lỵ, các huyện thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa là 50 m2 (không bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông); chiều rộng mặt tiền tối thiểu là 3,0 mét; chiều dài (chiều sâu) tối thiểu là 8,0 mét. Đất ở nông thôn thuộc các khu vực còn lại của các xã thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách là 60 m2; chiều rộng mặt tiền tối thiểu là 4,0 mét; chiều dài (chiều sâu) tối thiểu là 8,0 mét.
- Đối với khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, có phần diện tích đất thuộc hành lang công trình công cộng và đất nông nghiệp, Nhà nước chưa thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì phân diện tích đất nông nghiệp này được tách cùng với đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này, việc tách thửa đất ở phải đảm bảo theo quy định tại Quyết định này.
Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy định được ban hành kèm theo Quyết định 34/2019/QĐ-UBND và Điều 2 Công văn 3480/UBND-TH năm 2019 quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; diện tích tối thiểu được tách thửa và diện tích đất xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Điện Biên quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất đối với đất nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên cụ thể là:
- Trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thửa đất nông nghiệp trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch đất ở được phép tách thửa; thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 300m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác và 500m2 đối với đất trồng cây lâu năm;
- Trường hợp thửa đất nông nghiệp trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch đất ở được phép tách thửa theo loại đất ở với điều kiện người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng sang đất ở trước khi thực hiện tách thửa; trường hợp đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở phù hợp với quy hoạch đất ở thì được tách thửa với điều kiện diện tích tối thiểu bằng hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 3 và Điều 4 Quy định này và kích thước tối thiểu sau khi tách thửa phải đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Trường hợp thửa đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ sau khi tách thửa, các thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 3.000 m2 đối với khu vực nông thôn (xã) và 1.500 m2 đối với khu vực đô thị (phường, thị trấn).
Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đối với đất phi nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên?
Theo khoản 3 Điều 9 Quy định được ban hành kèm theo Quyết định 34/2019/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; diện tích tối thiểu được tách thửa và diện tích đất xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Điện Biên quy định diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất phi nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên cụ thể như sau:
Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) của hộ gia đình, cá nhân: diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách là 100 m2 và có cạnh bám mặt đường giao thông tối thiểu là 5 mét.
Trường hợp thửa đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch đất ở được tách thửa theo loại đất ở với điều kiện người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng sang đất ở trước khi thực hiện tách thửa.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn thì do bạn chưa cung cấp về việc bạn muốn biết về diện tích tối thiểu đối với loại đất cụ thể nào nên trên đây là những diện tích tối thiểu đối với từng loại đất cụ thể mà chúng tôi cung cấp.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn về diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với từng loại đất tại tỉnh Điện Biên, Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?
- Ngày 20 tháng 1 là ngày gì? Ngày 20 tháng 1 có sự kiện gì ở Việt Nam? Ngày 20 tháng 1 năm 2025 là ngày mấy âm lịch?
- Báo cáo kế toán thuế để làm gì? Số liệu báo cáo kế toán thuế phải phản ánh điều gì? Lập báo cáo kế toán thuế?