Đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh thì làm hồ sơ, thủ tục như thế nào theo quy định pháp luật?
Trường hợp nào cần phải đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT như sau:
Di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Xe máy chuyên dùng được mua bán, được cho, tặng, thừa kế khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải làm thủ tục di chuyển, đăng ký sang tên chủ sở hữu theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Thông tư này. Trường hợp di chuyển xe máy chuyên dùng ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng không thay đổi chủ sở hữu thì không phải thực hiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Thông tư này.
Theo đó, trường hợp cần phải đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh là khi thực hiện hoạt động mua bán, được cho, tặng, thừa kế xe máy chuyên dùng từ tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương khác nơi đang sinh sống.
Khi đó, bên cạnh thực hiện thủ tục sang tên xe máy, người mua bán, được cho, tặng, thừa kế xe máy chuyên dùng còn phải làm thủ tục di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng tại Sở Giao thông vận tải nơi xe máy chuyên dùng đã đăng ký.
Đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh thì làm hồ sơ, thủ tục như thế nào theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh thì cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Hồ sơ đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh được quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
Cụ thể, hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu quy định tại mẫu số 2 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT;
Bao gồm các thông tin sau:
+ Thông tin chủ sở hữu: Tên chủ sở hữu, Số CMND/ Giấy Chứng nhận ĐKKD, Ngày cấp, Nơi cấp;
+ Địa chỉ thường trú/ Văn phòng của chủ sở hữu;
+ Thông tin đồng chủ sở hữu (nếu có): Tên đồng chủ sở hữu, Số CMND/ Giấy Chứng nhận ĐKKD, Ngày cấp, Nơi cấp;
+ Địa chỉ thường trú/ Văn phòng của đồng chủ sở hữu;
+ Loại xe máy chuyên dùng;
+ Nhãn hiệu;
+ Công suất;
+ Màu sơn;
+ Năm sản xuất;
+ Nước sản xuất;
+ Số khung;
+ Số động cơ;
+ Trọng lương;
+ Kích thước bao (dài x rộng x cao (mm));
Giấy tờ kèm theo nếu có.
- Bản chính Phiếu di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng đã được cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT kèm theo hồ sơ xe máy chuyên dùng đã đăng ký.
Thủ tục đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, thủ tục sang tên xe máy chuyên dùng khác tỉnh được thực hiện như sau:
Bước 1: Chủ sở hữu xe máy chuyên dùng lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải nơi xe máy chuyên dùng chuyển đến;
Bước 2: Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra nội dung hồ sơ và có kết quả thông báo cho chủ sở hữu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chủ sở hữu bổ sung, hoàn thiện lại;
- Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ theo quy định:
+ Sở Giao thông vận tải có Giấy hẹn kiểm tra theo mẫu số 5 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian kiểm tra xe máy chuyên dùng không quá 05 ngày kể từ ngày viết giấy hẹn.
++ Đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký thì Sở Giao thông vận tải nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải nơi có xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết kiểm tra xe máy chuyên dùng;
++ Thời hạn kiểm tra không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
+ Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra xe máy chuyên dùng theo thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn, việc kiểm tra xe máy chuyên dùng phải lập thành Biên bản kiểm tra xe máy chuyên dùng theo mẫu số 6 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hoặc nhận được kết quả kiểm tra đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký:
++ Trường hợp kết quả kiểm tra các hạng mục trong Biên bản đạt yêu cầu, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số cho chủ sở hữu xe máy chuyên dùng và vào sổ quản lý đăng ký xe máy chuyên dùng;
++ Trường hợp kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo cho chủ phương tiện và nêu rõ lý do.
- Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Những vướng mắc, phát sinh trong quá trình sang tên xe máy chuyên dùng được xử lý thế nào?
Việc xử lý vướng mắc, phát sinh được quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT như sau:
Xử lý các trường hợp vướng mắc, phát sinh
...
2. Trường hợp phát sinh khi di chuyển, sang tên đăng ký
a) Đối với xe máy chuyên dùng đã di chuyển đăng ký, nhưng chủ sở hữu chưa làm thủ tục đăng ký tại nơi đến đã bán tiếp cho người khác, Sở Giao thông vận tải nơi người mua, tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cấp đăng ký theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này;
b) Sau khi cấp đăng ký, Sở Giao thông vận tải nơi cấp đăng ký gửi thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi di chuyển đi để điều chỉnh trong Sổ quản lý đăng ký xe máy chuyên dùng.
Như vậy, các vấn đề phát sinh khi thực hiện sang tên đăng ký xe máy được xử lý theo như nội dung quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?
- Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là gì? Quy mô hợp đồng tương lai chỉ số được xác định như thế nào?
- Kết quả của việc đánh giá rủi ro về an toàn trong hoạt động dầu khí được sử dụng vào mục đích gì?
- Tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân lên 15 lần theo quy định mới đúng không?
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm nào theo quy định Luật Hải quan? Thủ tục hải quan là gì?