Đã có biên bản hòa giải thuận tình ly hôn nhưng không đề nghị Tòa án ra Quyết định công nhận thì có xem như là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân không?
Biên bản hòa giải thuận tình ly hôn bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 về biên bản hòa giải tại Tòa án như sau:
Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm, địa điểm tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;
b) Thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;
c) Diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Trường hợp có những nội dung mà các bên không thỏa thuận, thống nhất thì cũng được ghi trong biên bản;
d) Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, còn đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
đ) Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì phải ghi rõ trong biên bản;
e) Ý kiến của các bên về việc yêu cầu hoặc không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;
h) Chữ ký của Hòa giải viên;
i) Chữ ký xác nhận của Thẩm phán tham gia phiên họp.
Như vậy, biên bản hòa giải thuận tình ly hôn của hòa giải viên phải có các nội dung nêu trên.
Theo đó, biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại được lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên có mặt.
Đã có biên bản hòa giải thuận tình ly hôn nhưng không đề nghị Tòa án ra Quyết định công nhận thì có xem như là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân không? (Hình từ Internet)
Điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án là gì?
Điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
Cụ thể các điều kiện bao gồm:
- Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;
- Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
- Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con;
- Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;
- Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.
Đã có biên bản hòa giải thuận tình ly hôn nhưng không đề nghị Tòa án ra Quyết định công nhận thì có xem như là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng (chấm dứt hôn nhân) dựa trên cơ sở của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó, thời điểm chấm dứt hôn nhân được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, điều kiện để quan hệ vợ chồng được xem là chấm dứt là có bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án. Trong trường hợp hòa giải tại Tòa án, khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có quy định như sau:
Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.
Theo quy định trên thì hòa giải viên cần giải thích và hướng dẫn các bên ly hôn yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định công nhận của Tòa án có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Đồng thời, vấn đề này cũng đã được hướng dẫn bởi Tòa án nhân dân tối cao tại tiểu mục 1 Mục VI Công văn 206/TANDTC-PC năm 2022 như sau:
Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành (thuận tình ly hôn) có giá trị pháp lý là cơ sở để Tòa án có thẩm quyền xem xét, ra quyết định thuận tình ly hôn (công nhận kết quả hòa giải thành). Trường hợp này, Hòa giải viên cần giải thích và hướng dẫn các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật. Nếu các bên không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì về pháp lý, quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt.
Như vậy, trong trường hợp đã có biên bản hòa giải thành tại Tòa án những các bên không thực hiện việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì vẫn chưa được xem là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Xem chi tiết tại Công văn 206/TANDTC-PC năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là bao lâu? Theo Luật Đất đai 2024 chuyển nhượng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng có được không?
- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở có phải cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng không?
- Thời hạn sử dụng của đất trồng cây lâu năm theo hình thức giao đất tối đa hiện nay là bao nhiêu?
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?
- Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là gì? Quy mô hợp đồng tương lai chỉ số được xác định như thế nào?