Cưỡng chế thu hồi đất có bắt buộc phải được thực hiện trong giờ hành chính hay không? Thời điểm nào thì phải chấp hành quyết định thu hồi đất?
Cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc phải được thực hiện trong giờ hành chính đúng không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất
1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật này.
Xét khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc như sau:
- Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Theo như quy định trên thì thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng thu hồi đất phải được thực hiện trong giờ hành chính.
Quy định này chỉ đề cập đến thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thu hồi đất chứ không đề cập đến thời gian thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất phải trong giờ hành chính.
Do đó, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất phải bắt buộc thực hiện trong giờ hành chính là không có cơ sở.
Cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc phải được thực hiện trong giờ hành chính đúng không? Thời điểm nào thì phải chấp hành quyết định thu hồi đất? (Hình từ Internet)
Thời điểm nào thì người dân phải chấp hành quyết định thu hồi đất?
Căn cứ vào Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
2. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
3. Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
Theo đó, người dân có đất bị thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất ngay sau khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt và công bố công khai.
Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi cưỡng chế thu hồi đất được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 31 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định như sau:
Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
1. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập dự toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án theo quy định sau đây:
a) Đối với các khoản chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành;
b) Đối với các khoản chi chưa có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá thì lập dự toán theo thực tế cho phù hợp với đặc điểm của từng dự án và thực tế ở địa phương;
c) Chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, xăng xe, hậu cần phục vụ và các khoản phục vụ cho bộ máy quản lý được tính theo nhu cầu thực tế của từng dự án.
2. Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án. Đối với các dự án thực hiện trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến hoặc trường hợp phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập dự toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo khối lượng công việc thực tế, không khống chế mức trích 2%.
Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng dự án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định. Việc bố trí kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất như sau:
a) Đối với trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất nhưng được miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì khoản kinh phí này được bố trí và hạch toán vào vốn đầu tư của dự án;
b) Đối với trường hợp nhà nước thực hiện thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá thì khoản kinh phí này được ứng từ Quỹ phát triển đất;
c) Đối với trường hợp nhà đầu tư tự nguyện ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (trong đó có khoản kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất) thì khoản kinh phí này được trừ vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo đó, đối với trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất nhưng được miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được bố trí và hạch toán vào vốn đầu tư của dự án
- Đối với việc thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá thì kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được ứng từ Quỹ phát triển đất
- Đối với trường hợp nhà đầu tư tự nguyện ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được trừ vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt mới nhất hiện nay là mẫu nào?
- Đáp án tuần 1: Đáp án cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu 75 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết, mới nhất?
- Năm 2025 tiếp tục tăng lương cơ sở 30% hay bỏ lương cơ sở xây dựng 5 bảng lương mới đối với CBCCVC và LLVT?
- Gọi điện báo cháy số nào? Gọi xe đến chữa cháy có tốn tiền không? Báo cháy chậm trễ hay báo cháy giả bị phạt thế nào?
- Hồ sơ, thủ tục thành lập hội từ ngày 26/11/2024 gồm những gì? Nội dung chính của điều lệ hội như thế nào?