Chính sách khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện nay được áp dụng như thế nào?
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì?
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một trong những hành vi hoặc chuỗi hành vi diễn ra trong môi trường kinh doanh của một số chủ thể nhằm chiếm lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 thỏa thuận cạnh tranh được định nghĩa như sau:
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Trong chừng mực nhất định, thỏa thuận cạnh tranh được pháp luật cho phép dưới hình thức miễn trừ theo Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
b) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
d) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
2. Thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Quy định pháp luật về chính sách khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện nay được áp dụng như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Quy định về chính sách khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như thế nào?
Pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về khoan hồng hay chính sách khoan hồng trong cạnh tranh.
Theo cơ quan Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Chính sách khoan hồng có thể hiểu là quy định cho phép miễn trừ hay giảm trừ hình phạt đối với doanh nghiệp đã tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng sau đó đã chủ động hợp tác để giúp cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh phát hiện và điều tra, xử lý đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó.
Có thể hiểu theo một cách khái quát, chính sách khoan hồng là một cơ chế do Nhà nước quy định dành quyền miễn trừ khỏi các chế tài xử phạt hoặc giảm nhẹ mức xử phạt mà pháp luật áp dụng đối với các thành viên đã tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng chủ động khai báo, cung cấp thông tin, tài liệu hay chứng cứ chứng minh hành vi thỏa thuận và có sự hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra.
Từ góc độ này, chính sách khoan hồng có nét tương đồng với quy định miễn trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự, tuy nhiên, thực tiễn có sự khác biệt với phạm vi áp dụng rộng hơn, bao gồm cả miễn trừ toàn bộ và miễn trừ một phần hình phạt.
Áp dụng chính sách khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định như thế nào?
Để thuận lợi cho việc điều tra, pháp luật cạnh tranh sử dụng chính sách khoan hồng có điều kiện đối với chủ thể tự nguyện khai báo về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
Chính sách khoan hồng
1. Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
2. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
3. Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật này;
b) Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;
c) Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;
d) Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
4. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.
5. Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng được quy định như sau:
a) Thứ tự khai báo;
b) Thời điểm khai báo;
c) Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.
7. Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:
a) Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này được miễn 100% mức phạt tiền;
b) Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.
Chính sách khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được xem là chế định tương đối mới theo Luật Cạnh tranh 2018 nhằm khuyến khích doanh nghiệp là một trong các bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tiết lộ những chứng cứ, thông tin về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tạo tiền đề cho cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?
- Ai có quyền yêu cầu người có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin theo quy định?
- Người có trách nhiệm chăm sóc lại ép buộc trẻ em xem phim 18+ trình diễn khiêu dâm bị phạt mấy năm tù?
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?