Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2022: Yêu cầu rút ngắn thời gian biên soạn các chỉ tiêu thống kê và đẩy nhanh đồng bộ tư liệu hóa vào công tác thống kê?
Trong những năm qua, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thống kê ngày càng được tăng cường. Hoạt động thống kê Nhà nước từng bước được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành và địa phương. Hệ thống tổ chức thống kê được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương theo hướng chuyên môn hóa. Tuy nhiên, trước nhu cầu thông tin thống kê ngày càng lớn với yêu cầu chất lượng cao, tần suất nhanh, tập trung nhiều vào các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, kinh tế số, phát triển bền vững, công tác thống kê Nhà nước vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thống kê còn thấp, nhận thức về công tác thống kê của người đứng đầu các cấp chính quyền chưa được coi trọng, chưa đúng tầm; số liệu thống kê chưa thống nhất về phạm vi, chưa kịp thời;…
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê Nhà nước, bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 7/CT-TTg năm 2022 yêu cầu nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thống kê trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền, địa phương và tập trung vào các nội dung sau:
Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước?
Căn cứ Mục 1 Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2022 quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành trên cơ sở Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thu thập, biên soạn và công bố thông tin thống kê. Nội dung này hoàn thành trong năm 2022.
- Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từng bộ, ngành theo lộ trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho từng năm đối với mỗi hoạt động cụ thể; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện theo quy định, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp làm cơ sở cho việc đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ việc thực hiện Chiến lược.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác trong hoạt động thống kê giữa các bộ, ngành với Cơ quan Thống kê Trung ương, giữa bộ, ngành với địa phương trong việc sản xuất, cung cấp, phổ biến và chia sẻ thông tin thống kê nhằm thiết lập hệ thống thông tin thống kê quốc gia đồng bộ, thống nhất, thông suốt và hiệu quả giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành, địa phương.
- Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp số liệu định kỳ cho Cơ quan Thống kê Trung ương để kịp thời biên soạn số liệu, báo cáo kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, hằng năm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh cung cấp, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa bộ, ngành với Cơ quan Thống kê Trung ương nhằm khai thác hiệu quả dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê Nhà nước; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc khai thác và và chia sẻ dữ liệu thống kê trong từng bộ, ngành cũng như kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương với hệ thống thống kê tập trung.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế của thống kê bộ, ngành để nâng cao hiệu quả của hoạt động thống kê.
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức làm công tác thống kê. Quan tâm thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức làm công tác thống kê của bộ, ngành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rút ngắn thời gian biên soạn các chỉ tiêu thống kê và đẩy nhanh đồng bộ tư liệu hóa vào công tác thống kê theo Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2022?
Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước?
Căn cứ Mục 2 Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2022 quy định như sau trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
+ Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành: Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) trong tháng 5 năm 2022; Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia trong tháng 12 năm 2022; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia trong tháng 6 năm 2022; Quyết định ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong tháng 7 năm 2022.
+ Cập nhật và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin đầu vào, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác, sử dụng thông tin thống kê từ dữ liệu hành chính, dữ liệu từ hồ sơ đăng ký hành chính từ các bộ, ngành và địa phương; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các hình thức thu thập thông tin mới như dữ liệu lớn, dữ liệu mở,...
+ Rút ngắn thời gian thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê nhằm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới các hình thức công bố, phổ biến thông tin thống kê.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, cập nhật kịp thời các thông tin, kịch bản tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đặc biệt là công tác phân tích dự báo, phân tích chuyên sâu về mô hình tăng trưởng, hoạt động kinh tế mới để phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
- Đẩy nhanh quá trình ứng dụng kỹ thuật số vào công tác thống kê; triển khai đồng bộ tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, đồng bộ về thông tin thống kê từ trung ương đến địa phương; xây dựng hệ thống báo cáo điện tử thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đến thống kê tập trung cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu có tần suất nhanh (tháng, quý).
- Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê, trong đó tập trung khai thác các dữ liệu liên quan đến thu, chi ngân sách, thuế, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh cá thể, đăng ký về cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, dữ liệu quốc gia về dân cư,...
- Tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới hiện đại nhằm giảm thiểu bỏ sót thông tin, quan tâm đến các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
- Tăng cường vai trò điều phối của Cơ quan Thống kê Trung ương thông qua việc xây dựng các chương trình thống kê và thẩm định theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ cơ cấu tổ chức của hệ thống thống kê tập trung, trong đó nghiên cứu việc chuyển mô hình Chi cục Thống kê cấp huyện thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh hiện nay thành Phòng Thống kê cấp huyện theo đơn vị hành chính cấp huyện bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê các cấp từ trung ương đến địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án sắp xếp, kiện toàn, nâng cấp 02 trường cao đẳng thống kê bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
- Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong hoạt động thống kê bảo đảm Thống kê Việt Nam áp dụng theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực thống kê quốc tế.
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Tổng hợp, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước?
Căn cứ Mục 3 Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2022 quy định như sau trách nhiệm:
- Bảo đảm nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thống kê Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
Trên đây là quy định về trách nhiệm tăng cường công tác thống kê Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?