Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn bao gồm những giấy tờ gì?
- Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn bao gồm những giấy tờ gì?
- Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được thực hiện như thế nào?
- Trường hợp nào thì người bị kết án có thể được hoãn chấp hành án phạt tù?
Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn bao gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục miễn chấp hành án phạt tù như sau:
Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù
1. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
b) Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;
c) Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
d) Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên; đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
Theo đó, hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn bao gồm những giấy tờ sau đây:
- Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;
- Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
- Xác nhận về người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn của chính quyền địa phương nơi họ cư trú.
Miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (Hình từ Interrnet)
Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 39 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì thủ tục miễn chấp hành án phạt tù đối với người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định sau đây:
Bước 01: Gửi hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc sẽ lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù.
Bước 02: Tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù cho người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
Bước 03: Gửi quyết định miễn chấp hành án phạt tù
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho:
- Người chấp hành án;
- Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp;
- Tòa án đã ra quyết định thi hành án;
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được miễn chấp hành án cư trú;
- Đơn vị quân đội được giao quản lý người đó;
- Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở;
- Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được miễn chấp hành án là người nước ngoài.
Bước 04: Làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án
Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.
Trường hợp nào thì người bị kết án có thể được hoãn chấp hành án phạt tù?
Căn cứ theo Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 thì người bị kết án có thể được hoãn chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Lưu ý: Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?