Hộ sinh viên có thuộc đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh? Thời gian thực hành tối thiểu là bao nhiêu để được cấp chứng chỉ hành nghề?

Tôi tên Mỹ Ngân, hiện tại tôi đang thực hành tại khoa phụ sản của bệnh viện. Xin hỏi hộ sinh viên có thuộc đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh? Thời gian thực hành tối thiểu là bao nhiêu để được cấp chứng chỉ hành nghề? Và tôi có được hành nghề ở nhiều cơ sở cùng lúc không? - Câu hỏi của chị Mỹ Ngân (Cần Thơ).

Hộ sinh viên có thuộc đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh?

Hộ sinh viên

Hộ sinh viên (Hình từ Internet)

Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định:

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề).

Căn cứ theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định những đối tượng sau đây được xin cấp chứng chỉ hành nghề:

Người xin cấp chứng chỉ hành nghề
1. Bác sỹ, y sỹ
2. Điều dưỡng viên
3. Hộ sinh viên
4. Kỹ thuật viên
5. Lương y
6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Như vậy, hộ sinh viên là người được xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Thời gian thực hành tối thiểu là bao nhiêu đối với người là hộ sinh viên xin cấp chứng chỉ hành nghề?

Căn cứ theo Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định thời gian người thực hành cần đảm bảo trước khi cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, cụ thể như sau:

Xác nhận quá trình thực hành
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên;
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, hộ sinh viên cần phải trải qua 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề.

Hộ sinh viên có được phép hành nghề khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở khác nhau không?

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định người hành nghề khám chữa bệnh cần đáp ứng các nguyên tắc khi đăng ký hành nghề sau đây:

+ Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

+ Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.

+ Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.

+ Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

+ Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

+ Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

+ Người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ luân phiên người hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn theo hợp đồng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhau thì không phải đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.

Do đó, căn cứ theo khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhưng không được đăng ký cùng một thời gian tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

4,691 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào