Hành vi quấy rối tình dục chỉ trở thành căn cứ để kỷ luật sa thải người lao động khi nào theo quy định?
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì? Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới những hình thức nào?
- Hành vi quấy rối tình dục chỉ trở thành căn cứ để kỷ luật sa thải người lao động khi nào theo quy định?
- Quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì? Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới những hình thức nào?
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới những hình thức nào?
Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới các hình thức sau:
- Dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc
- Những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Ngoài ra, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Hành vi quấy rối tình dục chỉ trở thành căn cứ để kỷ luật sa thải người lao động khi nào theo quy định? (Hình từ Internet)
Hành vi quấy rối tình dục chỉ trở thành căn cứ để kỷ luật sa thải người lao động khi nào theo quy định?
Căn cứ tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:
Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
...
Như vậy, hành vi quấy rối tình dục chỉ trở thành căn cứ để kỷ luật sa thải người lao động nếu hành vi đó được thực hiện tại nơi làm việc và được quy định trong nội quy lao động.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của doanh nghiệp, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như:
- Các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại,
- Các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do doanh nghiệp bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại,
- Nơi ở do doanh nghiệp cung cấp và địa điểm khác do doanh nghiệp quy định.
Quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì:
Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc:
- Nhanh chóng, kịp thời;
- Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Lưu ý: Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?
- Máy điều hòa có phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Thuế suất thuế TTĐB của máy điều hòa là bao nhiêu?
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?