Gương chiếu hậu là gì? Gương chiếu hậu xe máy như thế nào mới đúng quy định kỹ thuật? Bản vẽ gương chiếu hậu?
Gương chiếu hậu là gì?
Gương chiếu hậu được giải thích tại tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy ban hành hành kèm Thông tư 36/2010/TT-BGTVT như sau:
Quy định chung
...
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Gương chiếu hậu: Bộ phận được thiết kế dùng để quan sát phía sau.
1.3.2. Kiểu gương chiếu hậu: Các gương chiếu hậu được coi là cùng kiểu nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, dây chuyền sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính sau đây:
1.3.2.1. Kích thước và bán kính cong bề mặt phản xạ của gương;
1.3.2.2. Kết cấu, hình dáng hoặc vật liệu chế tạo gương và các bộ phận liên kết với xe.
1.3.3. Bán kính cong trung bình r: Giá trị bán kính cong của bề mặt phản xạ gương được xác định theo phương pháp được mô tả ở mục B.2, phụ lục B của quy chuẩn này.
...
Theo đó, gương chiếu hậu là bộ phận được thiết kế dùng để quan sát phía sau.
Các gương chiếu hậu được coi là cùng kiểu nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, dây chuyền sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính sau đây:
- Kích thước và bán kính cong bề mặt phản xạ của gương;
- Kết cấu, hình dáng hoặc vật liệu chế tạo gương và các bộ phận liên kết với xe.
Gương chiếu hậu là gì? (Hình từ Internet)
Gương chiếu hậu xe máy như thế nào mới đúng quy định kỹ thuật?
Quy định kỹ thuật đối với gương chiếu hậu xe máy được quy định tại Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy ban hành hành kèm Thông tư 36/2010/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
(1) Quy định kỹ thuật chung:
- Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.
- Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng.
Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương.
- Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm.
Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc.
Lưu ý: Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trên.
(2) Quy định về kích thước:
- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.
- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
(3) Quy định về hệ số phản xạ và bề mặt phản xạ:
- Giá trị hệ số phản xạ của bề mặt phản xạ (quang học) được xác định theo phương pháp mô tả trong Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT không được nhỏ hơn 40%.
- Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi.
- Giá trị “r” được xác định theo phương pháp mô tả trong Phụ lục B Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT không được nhỏ hơn 1000 mm và không lớn hơn 1500 mm.
- Sự khác nhau giữa ri hoặc ri ’ và rpi tại mỗi điểm khảo sát không được vượt quá 0,15 r. Sự khác nhau giữa các bán kính cong (rp1, r p2 và r p3) và r không được vượt quá 0,15 r.
(4) Quy định về độ bền va chạm và độ bền uốn của vỏ bảo vệ gương
- Gương phải được thử nghiệm độ bền va chạm và độ bền uốn của vỏ bảo vệ gương theo Phụ lục C và D Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT.
- Gương không bị vỡ trong quá trình thử.
Tuy nhiên, cho phép có chỗ vỡ trên bề mặt phản xạ của gương nếu gương được làm từ kính an toàn hoặc thỏa mãn điều kiện sau: Mảnh kính vỡ vẫn dính ở mặt trong của vỏ bảo vệ hoặc dính vào một mặt phẳng gắn chắc trên vỏ bảo vệ, ngoại trừ một phần mảnh kính vỡ cho phép tách rời khỏi vỏ bảo vệ, miễn là kích thước mỗi cạnh của mảnh vỡ không vượt quá 2,5 mm. Cho phép những mảnh vỡ nhỏ có thể rời ra khỏi bề mặt gương tại điểm đặt lực.
Bản vẽ kỹ thuật của gương chiếu hậu phải thể hiện những thông số nào?
Theo quy định tại tiểu mục 3.2 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy ban hành hành kèm Thông tư 36/2010/TT-BGTVT thì bản vẽ kỹ thuật của gương chiếu hậu phải thể hiện các kích thước chính và kèm theo các thông số sau:
- Độ cứng của vỏ bảo vệ bề mặt phản xạ gương;
- Bán kính cong của bề mặt phản xạ gương;
- Hệ số phản xạ của bề mặt phản xạ gương;
- Đường kính vòng tròn nội tiếp bề mặt phản xạ gương;
- Kích thước hình chữ nhật ngoại tiếp bề mặt phản xạ gương;
- Diện tích bề mặt phản xạ;
- Bán kính cong của mép vỏ bảo vệ bề mặt phản xạ gương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?