Gọi điện báo cháy số nào? Gọi xe đến chữa cháy có tốn tiền không? Báo cháy chậm trễ hay báo cháy giả bị phạt thế nào?
Gọi điện báo cháy, chữa cháy số nào? Có cần nhập mã vùng không?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư 22/2014/TT-BTTTT quy định số dịch vụ mạng viễn thông cố định mặt đất:
Số dịch vụ mạng viễn thông cố định mặt đất
1. Số dịch vụ khẩn cấp được quy hoạch theo nguyên tắc sau:
a) Có độ dài 3 chữ số;
b) Có cấu trúc cụ thể như sau: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hoả; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế;
Như vậy, khi cần gọi điện báo cháy phải gọi số 114 là số dịch vụ khẩn cấp ( số dịch vụ gọi Cứu hỏa) thì không cần mã vùng. Cụ thể, khi người dân gọi đến, mã vùng sẽ được định vị, hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi đến đơn vị địa phương nơi gần nhất.
Tuy nhiên, nếu cuộc gọi phát sinh ngoài khu vực người gọi sinh sống, có nghĩa là gọi hộ bạn bè, người thân ở khu vực khác, thì sẽ phải bấm mã vùng địa phương đó trước rồi mới bấm số điện thoại khẩn cấp.
Gọi điện báo cháy số nào? Gọi xe đến chữa cháy có tốn tiền không? (Hình từ Internet)
Gọi điện báo cháy, chữa cháy có tốn tiền không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy
1. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, gọi điện báo cháy, chữa cháy sẽ không tốn tiền, mọi chi phí cho công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đều do nhà nước chi trả. Người dân gọi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào.
Gọi điện báo cháy chậm trễ hay báo cháy giả bị phạt thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn như sau:
Vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không có phương tiện, thiết bị phát hiệu lệnh hoặc thông tin báo cháy theo quy định của pháp luật;
b) Không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy bị hỏng hoặc mất tác dụng.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn;
b) Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.
Lưu ý: mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Như vậy, theo quy định hiện hành chỉ áp dụng xử phạt đối với hành vi không báo cháy, báo cháy giả, không quy định về việc báo cháy chậm trễ.
Theo đó, người không báo cháy hay báo cháy giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền xử phạt người không báo cháy hay báo cháy giả?
Căn cứ khoản 2 Điều 78 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt như sau:
Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 68 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
...
Như vậy, trong trường hợp này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không báo cháy hay báo cháy giả.
Xem thêm: Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình?
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?