Giấy phép chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ khi nào? Chuyển giao công nghệ trong trường hợp nào bắt buộc có Giấy phép?
Giấy phép chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ khi nào?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định như sau:
Hiệu lực Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
1. Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có hiệu lực kể từ ngày cấp.
2. Cơ quan cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Vi phạm nội dung trong Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc đăng ký chuyển giao công nghệ;
c) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ và được hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của pháp luật mà Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ bị hủy bỏ hiệu lực thì phải hoàn trả Nhà nước các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã được nhận theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, Giấy phép chuyển giao công nghệ có hiệu lực kể từ ngày cấp.
Lưu ý: Cơ quan cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
- Vi phạm nội dung trong Giấy phép chuyển giao công nghệ;
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ;
- Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.
Giấy phép chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ khi nào? Chuyển giao công nghệ trong trường hợp nào bắt buộc có Giấy phép? (hình từ internet)
Chuyển giao công nghệ trong trường hợp nào bắt buộc phải có Giấy phép chuyển giao công nghệ?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao như sau:
Chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao
1. Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Điều 10 của Luật này phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
2. Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Chấp thuận chuyển giao công nghệ.
Đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ;
b) Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
...
Dẫn chiếu đến Điều 10 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây phải có Giấy phép chuyển giao công nghệ:
(1) Hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước trong trường hợp sau đây:
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển;
- Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;
- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước;
- Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm;
- Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.
(2) Hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài trong trường hợp sau đây:
- Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam;
- Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
- Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực;
- Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có);
- Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao;
- Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ;
- Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa đáp ứng những điều kiện nào?
- Mẫu thỏa thuận liên danh thuộc hồ sơ mời thầu mua thuốc qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Được gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không? Hồ sơ yêu cầu gia hạn Giấy chứng nhận gồm những gì?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng cuối năm dành cho tập thể giáo viên? Tải mẫu tại đâu?
- Đã lấy bằng lái xe ở nước ngoài thì khi về Việt Nam có phải thi để cấp lại hay không? Thủ tục như thế nào?