Giám sát chương trình đầu tư công là gì? Trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công được quy định như thế nào? Đánh giá chương trình đầu tư công thực hiện như thế nào?
Giám sát chương trình đầu tư công là gì?
Căn cứ khoản 1 và khoản 15 Điều 3 Nghị định 29/2021/NĐ-CP giải thích từ ngữ như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Giám sát đầu tư” là hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư. Giám sát đầu tư gồm giám sát chương trình, dự án đầu tư và giám sát tổng thể đầu tư.
[...]
15. “Dự án thành phần thuộc chương trình đầu tư công” là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau, nhằm thực hiện một hoặc một số mục tiêu cụ thể của chương trình, được thực hiện trên địa bàn cụ thể trong khoảng thời gian nhất định và dựa trên những nguồn lực đã xác định. [...]”
Theo đó, giám sát chương trình đầu tư là một trong các hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư của giám sát đầu tư đối với các hoạt động có liên quan với nhau, nhằm thực hiện một hoặc một số mục tiêu cụ thể của chương trình, được thực hiện trên địa bàn cụ thể trong khoảng thời gian nhất định và dựa trên những nguồn lực đã xác định.
Ai có trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công?
Trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công
Căn cứ Điều 43 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công như sau:
“Điều 43. Trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công
1. Chủ chương trình, chủ dự án thành phần thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư chương trình đầu tư công theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
2. Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra ít nhất một lần đối với chương trình có thời gian thực hiện trên 12 tháng;
b) Kiểm tra khi điều chỉnh chương trình làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình quyết định tổ chức kiểm tra chương trình theo kế hoạch hoặc đột xuất.”
Đánh giá chương trình đầu tư công thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 49 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá chương trình đầu tư công như sau:
(1) Đánh giá chương trình đầu tư công được thực hiện như sau:
- Chương trình đầu tư công phải thực hiện đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động;
- Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định việc đánh giá đột xuất chương trình khi cần thiết.
(2) Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá chương trình đầu tư công:
- Chủ chương trình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn và đánh giá kết thúc;
- Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động;
- Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công và cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất chương trình thuộc phạm vi quản lý.
(3) Nội dung đánh giá chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư công.
(4) Đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công:
- Phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công: phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp).
- Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công: sự phù hợp của chương trình với mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi và chính sách phát triển của nhà tài trợ (nếu có); mức độ đạt được mục tiêu đầu tư chương trình theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của chương trình so với các chỉ số khai thác, vận hành của chương trình đã được phê duyệt; các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên,...); các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?