Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào? Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa?
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa (Hình từ Internet)
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa phải đáp ứng tiêu chuẩn được quy định tại Điều 14 Thông tư 01/2023/TT-BYT (Có hiệu lực từ ngày 15/04/2023) như sau:
Tiêu chuẩn giám định viên, thành viên Hội đồng giám định y khoa
1. Tiêu chuẩn giám định viên:
a) Có trình độ chuyên môn là bác sỹ đang công tác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hành nghề phù hợp với lĩnh vực chuyên khoa được bổ nhiệm;
b) Có chứng nhận đào tạo hoặc đào tạo liên tục hoặc tập huấn về giám định y khoa do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp.
2. Tiêu chuẩn giám định viên là ủy viên thường trực và ủy viên chuyên môn của Hội đồng giám định khoa cấp tỉnh:
a) Có trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên;
b) Có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 03 (ba) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó;
c) Có các tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Tiêu chuẩn giám định viên là ủy viên thường trực và ủy viên chuyên môn của Hội đồng giám định khoa cấp trung ương và Hội đồng giám định khoa phúc quyết lần cuối:
a) Có trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sỹ y khoa;
b) Có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 05 (năm) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó;
c) Các tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Tiêu chuẩn giám định viên là thành viên của Hội đồng giám định y khoa các Bộ:
a) Giám định viên là ủy viên thường trực và ủy viên chuyên môn của Hội đồng giám định y khoa các Bộ có thẩm quyền giám định lần đầu, giám định lại: Đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Giám định viên là ủy viên thường trực và ủy viên chuyên môn của Hội đồng giám định y khoa các Bộ có thẩm quyền giám định phúc quyết: Đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này.
Trước đây, căn cứ Điều 25 Thông tư 52/2016/TT-BYT, Điều 26 Thông tư 52/2016/TT-BYT, Điều 27 Thông tư 52/2016/TT-BYT (Hết hiệu lực từ ngày 15/04/2023) quy định về tiêu chuẩn của Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa như sau:
* Tiêu chuẩn Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương
- Trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sỹ y khoa đang công tác tại các các cơ sở y tế công lập tuyến Trung ương và có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 05 (năm) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó.
- Không vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Có đủ sức khỏe để công tác, thực hiện nhiệm vụ.
- Trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nêu trên, Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét, quyết định.
* Tiêu chuẩn giám định viên Hội đồng Giám định y khoa tỉnh
- Trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên, đang công tác tại các các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả Trung tâm Giám định y khoa) hoặc thuộc Bộ Y tế quản lý, đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 03 (ba) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó.
- Không vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Có đủ sức khỏe để công tác, thực hiện nhiệm vụ.
- Trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nêu trên, Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh đề xuất với Giám đốc Sở Y tế để xem xét, quyết định.
* Tiêu chuẩn giám định viên Hội đồng Giám định y khoa các Bộ
Tiêu chuẩn giám định viên Hội đồng Giám định y khoa của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT do Bộ trưởng các Bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Giám định y khoa và quy định về tiêu chuẩn giám định viên quy định tại Điều 26 Thông tư 52/2016/TT-BYT.
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa do ai có thẩm quyền bổ nhiệm?
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa do ai có thẩm quyền bổ nhiệm, thì theo Điều 15 Thông tư 01/2023/TT-BYT (Có hiệu lực từ ngày 15/04/2023) như sau:
Bổ nhiệm giám định viên
1. Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương do Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
2. Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.
3. Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa các Bộ do các Bộ quyết định bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa thuộc các Bộ.
4. Số lượng Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa do người có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định, tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa. Mỗi chuyên khoa phải có ít nhất 02 (hai) Giám định viên. Trường hợp Hội đồng giám định y khoa không có bác sĩ các chuyên khoa: Tim mạch, Hô hấp, Tiết niệu, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Huyết học - Truyền máu, Nội tiết, Miễn dịch, có thể bổ nhiệm bác sĩ chuyên khoa Nội tổng hợp thay thế. Trong trường hợp này chỉ phân công mỗi Giám định viên chịu trách nhiệm khám giám định nhiều nhất không quá 02 (hai) chuyên khoa để bảo đảm chất lượng khám giám định.
Như vậy, giám định viên Hội đồng Giám định y khoa cấp trung ương do Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm.
Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm.
Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa các Bộ do các Bộ quyết định bổ nhiệm.
Trước đây, việc bổ nhiệm Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa được quy định tại Điều 29 Thông tư 52/2016/TT-BYT (Hết hiệu lực từ ngày 15/04/2023) như sau:
- Giám định viên thuộc Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề xuất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
-Giám định viên thuộc Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh của tỉnh nào do Giám đốc Sở Y tế tỉnh đó ký quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh và Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế.
- Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa của Bộ nào do Thủ trưởng Cơ quan y tế của Bộ đó quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa của Bộ đó.
- Thời hạn một nhiệm kỳ giám định viên là 05 (năm) năm, kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại 17 Thông tư 01/2023/TT-BYT (Có hiệu lực từ ngày 15/04/2023) như sau:
- Nhiệm vụ của Giám định viên:
+ Thực hiện khám giám định chuyên khoa theo nội dung yêu cầu ghi trên Phiếu khám chuyên khoa của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa gửi Giám định viên. Sau khi khám xong gửi trả kết quả về cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa, đồng thời lưu kết quả khám vào sổ khám chuyên khoa tại nơi Giám định viên công tác;
+ Tham gia hội chẩn chuyên môn theo nội dung yêu cầu của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa;
+ Giám định viên hoạt động kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám giám định chuyên khoa do cá nhân thực hiện;
+ Tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng giám định y khoa khi được Hội đồng mời tham dự.
- Quyền hạn của Giám định viên:
+ Được tham dự các khóa đào tạo liên tục, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về giám định y khoa;
+ Được hưởng quyền lợi, chế độ khi tham gia các hoạt động khám giám định chuyên khoa, hội chẩn chuyên môn, họp Hội đồng theo quy định của pháp luật và của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa;
+ Có quyền đề nghị không làm hoặc thôi làm Giám định viên;
+ Có quyền từ chối giám định khi đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng giám định cố ý không hợp tác.
Trước đây, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa được quy định tại Điều 31 Thông tư 52/2016/TT-BYT (Hết hiệu lực từ ngày 15/04/2023) như sau:
* Nhiệm vụ của Giám định viên:
- Thực hiện khám giám định chuyên khoa theo nội dung yêu cầu ghi trên Phiếu khám chuyên khoa của Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa gửi.
Sau khi khám xong thì gửi trả kết quả về Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa, đồng thời lưu kết quả khám vào sổ khám chuyên khoa tại nơi giám định viên công tác.
- Tham gia họp hội chẩn chuyên khoa theo nội dung yêu cầu của Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa.
- Giám định viên hoạt động kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám giám định chuyên khoa do cá nhân thực hiện.
- Tham gia phiên họp kết luận của Hội đồng Giám định y khoa với vị trí Ủy viên chuyên môn của Hội đồng Giám định y khoa trong phiên họp đó khi được Hội đồng mời theo quy định tại khoản 2 Điều 4 hoặc khoản 2 Điều 5 Thông tư 52/2016/TT-BYT.
* Quyền hạn của Giám định viên:
- Được tham dự các khóa đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ về Giám định y khoa.
- Được hưởng quyền lợi, chế độ khi tham gia các hoạt động khám giám định chuyên khoa, hội chẩn chuyên môn, họp Hội đồng theo quy định của pháp luật và của Cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa.
- Có quyền đề nghị không làm hoặc thôi làm giám định viên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Em trai đến nhà anh chị ruột chơi có phải thông báo lưu trú không? Anh chị ruột thực hiện thông báo lưu trú theo hình thức nào?
- Từ 1/12/2024 chính thức hết giảm thuế trước bạ ô tô 50% theo Nghị định 109? Thuế trước bạ ô tô từ 1/12/2024 ra sao?
- Bản kiểm điểm của Phó Bí thư chi bộ cuối năm 2024 là Đảng viên? Bản kiểm điểm của Phó Bí thư chi bộ trường học là Đảng viên?
- Mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại đối với cây trồng chưa thu hoạch được tính thế nào?
- Đang bảo lưu kết quả học tập đại học có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Sức khỏe loại mấy không được tham gia nghĩa vụ quân sự?