Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động để bảo vệ di tích lịch sử thì số tiền bảo đảm thực hiện dự án có phải nộp vào ngân sách nhà nước?
Dự án đầu tư có thể bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp để bảo vệ di tích lịch sử không?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau:
Ngừng hoạt động của dự án đầu tư
...
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
b) Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
c) Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
d) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;
đ) Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
...
Và khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau:
Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
...
2. Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
b) Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
c) Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
d) Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
đ) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
e) Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
g) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
...
Theo quy định trên, nhằm bảo vệ di tích lịch sử theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001 thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư sẽ quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
Trong trường hợp dự án đầu tư trên không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động này thì cơ quan đăng ký đầu tư sẽ chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư.
Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động để bảo vệ di tích lịch sử
(Hình từ Internet)
Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động để bảo vệ di tích lịch sử thì số tiền bảo đảm thực hiện dự án có phải nộp vào ngân sách nhà nước?
Căn cứ theo khoản 10 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thủ tục bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư
...
10. Số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:
a) Dự án bị chậm tiến độ đưa vào khai thác, vận hành theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;
b) Dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư
...
Như vậy, về nguyên tắc, trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 thì số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quy định có ngoại lệ đối với trường hợp “tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư” là “Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
Do đó, đối với dự án bị chấm dứt hoạt động để bảo vệ di tích lịch sử thì số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả sẽ không phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Di tích lịch sử phải bảo đảm các các tiêu chí nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định như sau:
1. Di tích lịch sử - văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây:
a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;
b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;
c) Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;
d) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.
...
Như vậy, di tích lịch sử phải có một trong các tiêu chí được quy định như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải Mẫu biên bản họp hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm giám đốc công ty? Mẫu biên bản họp hội đồng thành viên file word?
- Ngày 25 12 âm lịch năm nay là bao nhiêu dương? Ngày 25 12 âm lịch người lao động được nghỉ Tết chưa?
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế từ ngày 6/2/2025 như thế nào? Quy định về đối tượng đăng ký thuế 2025 ra sao?
- Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam ngắn gọn? Các ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam? Tết diễn ra vào ngày nào đến ngày nào?
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?