Đơn vị nào phải thực hiện việc kiểm toán độc lập? Doanh nghiệp kiểm toán phải có nghĩa vụ bảo mật như thế nào?
Đơn vị nào phải thực hiện việc kiểm toán độc lập?
Theo quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và được hướng dẫn tại Điều 15 Nghị định 17/2012/NĐ-CP như sau:
Điều 37. Đơn vị được kiểm toán
1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng;
c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
2. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
a) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
b) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
c) Doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
d) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.
3. Việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
4. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán.
Như vậy, công ty cổ phần này phải xem có thuộc các trường hợp được nêu theo quy định trên để xác định có phải bắt buộc làm kiểm toán độc lập. Nếu công ty cổ phần này có vốn đầu tư nước ngoài, có kinh doanh bảo hiểm, môi giới bảo hiểm thì bắt buộc phải làm kiểm toán độc lập anh/chị nhé. Không quan trọng công ty cổ phẩn có vốn điều lệ bao nhiêu và số lượng cổ đông mà xét theo các điều kiện quy định tại điều trên để xác định có bắt buộc làm kiểm toán độc lập hay không.
Đơn vị nào phải thực hiện việc kiểm toán độc lập? Doanh nghiệp kiểm toán phải có nghĩa vụ bảo mật như thế nào?
Nghĩa vụ của bảo mật của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán độc lập như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 8 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định bảo mật là một trong những nguyên tắc hoạt động của kiểm toán độc lập.
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về nghĩa vụ bảo mật của doanh nghiệp kiểm toán như sau:
Điều 43. Nghĩa vụ bảo mật
1. Kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được tiết lộ thông tin về hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp được khách hàng, đơn vị được kiểm toán chấp thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được sử dụng thông tin về hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo mật.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán và cá nhân có liên quan có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin được cung cấp về hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư 70/2015/TT-BTC cũng hướng dẫn việc kiểm toán viên chuyên nghiệp phải duy trì sự bảo mật thông tin ngay cả trong môi trường ngoài công việc, phải cảnh giác với rủi ro tiết lộ thông tin một cách không cố ý, đặc biệt đối với các đối tác thân thiết trong công việc kinh doanh hoặc đối với thành viên có quan hệ gia đình gần gũi hoặc trực tiếp. Việc tuân thủ các nguyên tắc về tính bảo mật vẫn cần thiết ngay cả sau khi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp đã kết thúc mối quan hệ với khách hàng hay chủ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiểm toán vi phạm quy định bảo mật trong lĩnh vực kiểm toán độc lập bị phạt thế nào?
Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo mật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Điều 47. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo mật
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin có liên quan đến hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán chấp thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán không xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo mật.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin có liên quan đến hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với kiểm toán viên hành nghề thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời gian từ 06 tháng đến 12 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Lưu ý: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lấy từ đâu?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn của giáo viên mần non cuối năm mới nhất?
- Xung đột pháp luật là gì? Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật trong hoạt động hàng hải?
- Khi nào được quyền sa thải lao động nam có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định?
- Gia hạn thời gian đóng thầu khi không có nhà thầu tham dự trong thời gian tối thiểu bao lâu?