Đơn vị chủ quản trong lĩnh vực thuế là gì? Đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc có bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế?
Đơn vị chủ quản trong lĩnh vực thuế là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 105/2020/TT-BTC có giải thích như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Đơn vị chủ quản” là người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc.
2. “Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã” là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
3. “Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
...
Như vậy, đơn vị chủ quản là người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc.
Trong đó:
+ Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
+ Đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế, tổ chức khác là chi nhánh, văn phòng đại diện, nơi cụ thể khác tiến hành hoạt động, kinh doanh của tổ chức.
Đơn vị chủ quản trong lĩnh vực thuế là gì? Đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc có bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế? (Hình từ Internet)
Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc có bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế như sau:
(1) Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực;
(2) Mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 Luật Quản lý thuế 2019;
(3) Mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó;
(4) Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay;
(5) Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Như vậy, về nguyên tắc thì người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế được thực hiện trong trường hợp nào?
Căn cứ quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019, các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định cụ thể như sau:
(1) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.
(2) Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;
- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất;
- Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
- Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng;
- Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.
Lưu ý:
- Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:
+ Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
+ Các giấy tờ khác có liên quan.
- Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký giải thể hoặc chấm dứt hoạt động tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trước khi thực hiện tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh người nộp thuế phải đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc ngày kết thúc hợp đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?
- Tỉa chân nhang trước hay sau cúng ông công ông táo 2025? Lưu ý khi rút tỉa chân hương cúng ông công ông táo 2025?
- Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong những trường hợp nào theo Nghị định 175?
- Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi được hưởng 3 loại trợ cấp theo Nghị định 178? Hướng dẫn cách tính trợ cấp được hưởng?
- Mẫu Tờ trình thành lập chi bộ mới nhất là mẫu nào? Tải mẫu? Điều kiện thành lập chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở?