Đấu thầu quốc tế thì chỉ có các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài mới được tham dự thầu đúng không?
- Đấu thầu quốc tế thì chỉ có các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài mới được tham dự thầu đúng không?
- Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trong trường hợp nào?
- Các chi phí liên quan đến việc thực hiện gói thầu đối với đấu thầu quốc tế được chào thầu bằng đồng tiền nào?
Đấu thầu quốc tế thì chỉ có các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài mới được tham dự thầu đúng không?
Đấu thầu quốc tế được quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Giải thích từ ngữ
...
8. Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
9. Đấu thầu qua mạng là việc thực hiện hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
10. Đấu thầu quốc tế là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu.
11. Đấu thầu trong nước là hoạt động đấu thầu chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự thầu.
...
Theo đó, đấu thầu quốc tế được hiểu là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu.
Như vậy, đối với đấu thầu quốc tế thì cả nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đều được tham dự thầu.
Đấu thầu quốc tế thì chỉ có các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài mới được tham dự thầu đúng không? (Hình từ Internet)
Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Đấu thầu 2023 thì vệc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện cụ thể như sau:
(1) Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc gói thầu được sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước trước đó nhưng không có nhà thầu tham gia;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án, người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định tổ chức đấu thầu quốc tế;
- Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá.
Trường hợp hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế.
(2) Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện đối với các dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023, trừ trường hợp sau đây:
- Dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Dự án cần thực hiện đấu thầu trong nước do yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
- Dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan;
- Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng;
- Dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và đã công bố, thông báo mời quan tâm tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Các dự án đầu tư kinh doanh được quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023 gồm có:
- Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;
Các chi phí liên quan đến việc thực hiện gói thầu đối với đấu thầu quốc tế được chào thầu bằng đồng tiền nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật Đấu thầu 2023 quy định về đồng tiền dự thầu như sau:
Đồng tiền dự thầu
1. Đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu, nhà đầu tư chỉ được chào thầu bằng Đồng Việt Nam.
2. Đối với đấu thầu quốc tế:
a) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá 03 loại tiền tệ;
b) Trường hợp hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu, nhà đầu tư được chào thầu bằng 02 hoặc 03 loại tiền tệ thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu phải quy đổi về 01 loại tiền tệ; trường hợp trong số các đồng tiền đó có Đồng Việt Nam thì phải quy đổi về Đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi;
c) Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh, nhà thầu, nhà đầu tư phải chào thầu bằng Đồng Việt Nam;
d) Đối với chi phí ở nước ngoài liên quan đến việc thực hiện gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh, nhà thầu, nhà đầu tư được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài, Đồng Việt Nam.
Theo đó, đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thì nhà thầu, nhà đầu tư phải chào thầu bằng Đồng Việt Nam;
Đối với chi phí ở nước ngoài liên quan đến việc thực hiện gói thầu thì nhà thầu, nhà đầu tư được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài, Đồng Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lấy từ đâu?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn của giáo viên mần non cuối năm mới nhất?
- Xung đột pháp luật là gì? Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật trong hoạt động hàng hải?
- Khi nào được quyền sa thải lao động nam có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định?
- Gia hạn thời gian đóng thầu khi không có nhà thầu tham dự trong thời gian tối thiểu bao lâu?