Công ty cho thuê lại lao động có thể rút tiền ký quỹ để trả lương cho nhân viên khi đang gặp khó khăn về tài chính hay không?
- Công ty cho thuê lại lao động có thể rút tiền ký quỹ để trả lương cho nhân viên khi đang gặp khó khăn về tài chính hay không?
- Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động bao gồm những gì?
- Thủ tục để doanh nghiệp cho thuê lại lao động được rút tiền ký quỹ thực hiện như thế nào?
Công ty cho thuê lại lao động có thể rút tiền ký quỹ để trả lương cho nhân viên khi đang gặp khó khăn về tài chính hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc rút tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động như sau:
Rút tiền ký quỹ
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp cho thuê lại đặt trụ sở chính đồng ý để doanh nghiệp cho thuê lại rút tiền ký quỹ khi doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp cho thuê lại gặp khó khăn, không đủ nguồn tài chính để thanh toán đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại sau thời hạn từ 30 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh toán theo quy định của pháp luật;
b) Doanh nghiệp cho thuê lại gặp khó khăn, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại do vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại vì không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật;
c) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;
d) Doanh nghiệp cho thuê lại bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;
đ) Doanh nghiệp cho thuê lại đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam khác.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu như công ty anh gặp phải khó khăn về tài chính nên không thể trả lương cho nhân viên đúng hạn và đã quá thời hạn phải thanh toán từ 30 ngày thì công ty anh có thể đề nghị xin rút tiền ký quỹ để thực hiện trả lương cho nhân viên.
Công ty cho thuê lại lao động có thể rút tiền ký quỹ để trả lương cho nhân viên không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động bao gồm những gì?
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần chuẩn bị 02 bộ hồ sơ để có thể thực hiện rút tiền ký quỹ nhằm mục đích thanh toán lương cho người lao động, cụ thể như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho rút tiền ký quỹ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:
- Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại;
- Phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ, gồm: lý do, mục đích rút tiền ký quỹ; danh sách, số lượng người lao động, số tiền, thời gian, phương thức thanh toán;
(2) Hồ sơ rút tiền ký quỹ gửi ngân hàng nhận ký quỹ, gồm:
- Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 02/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
- Chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).
Như vậy, đầu tiên công ty anh cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như trên. Sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý để công ty rút tiền ký quỹ thì công ty sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gửi đến ngân hàng nhận ký quỹ để thực hiện rút tiền.
Thủ tục để doanh nghiệp cho thuê lại lao động được rút tiền ký quỹ thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ được thực hiện như sau:
Rút tiền ký quỹ
...
4. Trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ được thực hiện như sau:
a) Doanh nghiệp cho thuê lại nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác thực hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp cho thuê lại và việc hoàn thành nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại của doanh nghiệp cho thuê lại trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý để doanh nghiệp cho thuê lại rút tiền ký quỹ;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ và phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có) gửi doanh nghiệp cho thuê lại và ngân hàng nhận ký quỹ. Trường hợp không đồng ý về việc rút tiền ký quỹ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời doanh nghiệp cho thuê lại trong đó nêu rõ lý do không đồng ý;
d) Sau khi có văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp cho thuê lại nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này tại ngân hàng nhận ký quỹ;
đ) Ngân hàng nhận ký quỹ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại, nếu đúng quy định thì ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp cho thuê lại thực hiện rút tiền ký quỹ trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ rút tiền ký quỹ.
Trường hợp rút tiền ký quỹ theo quy định tại các điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì việc thanh toán, bồi thường cho người lao động thuê lại do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.
Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan việc rút tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động mà chúng tôi cung cấp. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 7 hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan là những hành vi nào theo pháp luật hải quan?
- Thế nào là biện pháp chơi chữ? Nhận biết và phân tích được tác dụng của biện pháp chơi chữ là yêu cầu mà học sinh lớp 9 cần đạt?
- Giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có được tham gia vào các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ không?
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?