Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của người lao động tại doanh nghiệp đó hay không?
- Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của người lao động tại doanh nghiệp đó hay không?
- Người lao động có được tham gia vào đại hội thành lập công đoàn cơ sở hay không?
- Trường hợp không có đủ người lao động xin gia nhập công đoàn thì đại hội thành lập công đoàn cơ sở có bị hoãn lại hay không?
Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của người lao động tại doanh nghiệp đó hay không?
Căn cứ điểm b khoản 13.2 Điều 13 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 có hướng dẫn cụ thể về công đoàn cơ sở doanh nghiệp như sau:
"13.2. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp
[...]
b. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
- Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng thang bảng lương, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.
- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật."
Theo đó, có thể thấy một trong những nhiệm vụ của công đoàn cơ sở doanh nghiệp là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Theo như bạn nói, việc công đoàn có những khoản hỗ trợ trong lúc người lao động gặp khó khăn thì mức hỗ trợ, chăm lo do công đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật sẽ còn tùy thuộc vào quy định tại chính doanh nghiệp bạn đang làm việc.
Công đoàn cơ sở
Người lao động có được tham gia vào đại hội thành lập công đoàn cơ sở hay không?
Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 12.2 Điều 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 có nêu:
"12.2. Đại hội thành lập công đoàn cơ sở
a. Thành phần dự đại hội gồm:
- Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
- Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở."
Có thể thấy một trong những thành phần dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở đó là người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp bạn đủ điều kiện gia nhập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì sẽ được tham dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp mình.
Trường hợp không có đủ người lao động xin gia nhập công đoàn thì đại hội thành lập công đoàn cơ sở có bị hoãn lại hay không?
Căn cứ điểm đ khoản 12.2 Điều 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 có nêu như sau:
"12.2. Đại hội thành lập công đoàn cơ sở
[...]
đ. Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết."
Như vậy, trường hợp không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở (vì điều kiện sản xuất, kinh doanh) thì:
- Ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc
- Thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.
Có thể thấy, đại hội thành lập công đoàn cơ sở không bị hoãn vì lý do này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?