Công đoàn có quyền đại diện khởi kiện cho người lao động không? Thủ tục để Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện như thế nào?
Công đoàn có quyền đại diện khởi kiện cho người lao động không?
Căn cứ Mục 1 Hướng dẫn 995/HD-TLĐ 2016 quy định về thẩm quyền khởi kiện của Công đoàn như sau:
"1. Thẩm quyền khởi kiện của Công đoàn (Khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn 2012, khoản 2 Điều 187 BLTTDS 2015)
- Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện các vụ án lao động khi được người lao động ủy quyền; có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động; có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động khác hoặc ủy quyền khởi kiện cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở và được người lao động, tập thể lao động ủy quyền; có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động khác hoặc ủy quyền khởi kiện cho Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể khác, khi được người lao động, tập thể người lao động ủy quyền."
Công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện
Tranh chấp về tiền lương giữa người lao động và người sử dụng lao động thì có thể ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện không?
Theo Mục 2.1 Hướng dẫn 995/HD-TLĐ 2016 quy định tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Công đoàn có quyền khởi kiện như sau:
"2.1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động
...
b. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định (trừ một số trường hợp quy định tại điểm a mục 2.1 Phần I), bao gồm:
-Tranh chấp về hợp đồng lao động;
-Tranh chấp về tiền lương;
-Tranh chấp về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
-Tranh chấp về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;
-Tranh chấp về quy định riêng đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số lao động khác."
Như vậy, đối với tranh chấp cá nhân người lao động và người sử dụng lao động phải được tiến hành hòa giải bởi hòa giải viên trước. Trường hợp hòa giải mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì có thể nhờ Công đoàn khởi kiện.
Thủ tục để Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện như thế nào?
Theo điểm a Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc làm đơn khởi kiện như sau:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
...
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện
..."
Theo đó thì đơn khởi kiện cá nhân phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của cá nhân đó ở cuối đơn. Trường hợp người lao động ủy quyền cho Công đoàn đại diện mình khởi kiện công ty thì người lao động vẫn cần ký tên hoặc điểm chỉ trên đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện chuẩn bị theo mẫu DS-23 ban hành tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP biểu mẫu trong tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Bên cạnh việc lập đơn và ký tên trên đơn khởi kiện, người lao động cần làm thêm văn bản ủy quyền cho Công đoàn theo hướng dẫn tại Mục 6.1 Hướng dẫn 995/HD-TLĐ như sau:
"6.1. Thủ tục ủy quyền khởi kiện
- Người lao động làm giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn thực hiện việc khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
- Trong trường hợp có nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức công đoàn thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
- Giấy ủy quyền theo mẫu trong Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này.
- Công đoàn được người lao động ủy quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn theo quy định tại Điều 71 BLTTDS 2015.
- Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu người lao động là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện thì Tòa án chỉ định Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động (Điều 88 BLTTDS 2015)."
Trong trường hợp có nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì những người lao động này được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức công đoàn thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động. Giấy ủy quyền theo mẫu trong Phụ lục kèm theo Hướng dẫn 995/HD-TLĐ năm 2016.
Dựa trên đơn ủy quyền, đơn khởi kiện có chữ ký và các chứng cứ mà người lao động cung cấp, đại diện công đoàn sẽ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện theo hướng dẫn tại Mục 6.2 Hướng dẫn 995/HD-TLĐ năm 2016 và gửi đơn đến Tòa án nơi công ty có trụ sở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?