Công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch thì công chứng viên bị xử phạt như thế nào?
- Bản dịch trước khi được công chứng thì bắt buộc có chữ ký của người phiên dịch không?
- Công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch thì công chứng viên bị xử phạt như thế nào?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với công chứng viên công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch là bao lâu?
Bản dịch trước khi được công chứng thì bắt buộc có chữ ký của người phiên dịch không?
Việc có bắt buộc có chữ ký của người phiên dịch ở bản dịch cần công chứng không, theo quy định tại Điều 61 Luật Công chứng 2014 như sau:
Công chứng bản dịch
1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
4. Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;
b) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;
c) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.
5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch.
Theo quy định trên, người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Do đó, bản dịch trước khi được công chứng thì bắt buộc có chữ ký của người phiên dịch.
Công chứng bản dịch (Hình từ Internet)
Công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch thì công chứng viên bị xử phạt như thế nào?
Mức xử phạt đối với công chứng viên công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch
...
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc thiếu chữ ký của người dịch vào từng trang của bản dịch hoặc không đính kèm bản sao của bản chính.
...
Theo đó, công chứng viên công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch vào từng trang của bản dịch thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với công chứng viên công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với công chứng viên công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của người phiên dịch là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế từ ngày 6/2/2025 như thế nào? Quy định về đối tượng đăng ký thuế 2025 ra sao?
- Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam ngắn gọn? Các ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam? Tết diễn ra vào ngày nào đến ngày nào?
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?