Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô? Trường hợp kinh doanh vận tải bằng ô tô không có Giấy phép kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền?
Kinh doanh vận tải bằng ô tô là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:
“Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”
Như vậy, kinh doanh vận tải bằng ô tô là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô là gì?
Theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô như sau:
(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
- Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
- Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
(2) Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
- Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;
- Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.
(3) Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.
(4) Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Như vậy, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô bao gồm: đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định; bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề; người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải; có nơi đỗ xe phù hợp.
Tải về mẫu Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mới nhất 2023: Tại Đây
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô?
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô?
Theo Điều 17 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô như sau:
“Điều 17. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là Giấy phép kinh doanh).
2. Nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm:
a) Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp;
c) Người đại diện theo pháp luật;
d) Các hình thức kinh doanh;
đ) Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp kinh doanh vận tải bằng ô tô không có Giấy phép kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được thay thế bởi điểm r khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau:
“7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định;
b) Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải;
c) Thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc);
d) Bến xe không thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến;
đ) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định;
e) Không thực hiện việc cung cấp các thông tin trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe buýt, xe chạy tuyến cố định theo quy định;
g) Bến xe khách không áp dụng phần mềm quản lý bến xe, hệ thống camera giám sát theo quy định;
h) Vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên;
i) Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải để đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc;
k) Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử không có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê vận tải theo quy định hoặc có nhưng giao diện không bảo đảm các yêu cầu theo quy định; không thực hiện việc gửi hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử theo quy định.”
Do đó, trường hợp kinh doanh vận tải bằng ô tô không có Giấy phép kinh doanh bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp kinh doanh vận tải bằng ô tô không có Giấy phép kinh doanh bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Được gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không? Hồ sơ yêu cầu gia hạn Giấy chứng nhận gồm những gì?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng cuối năm dành cho tập thể giáo viên? Tải mẫu tại đâu?
- Đã lấy bằng lái xe ở nước ngoài thì khi về Việt Nam có phải thi để cấp lại hay không? Thủ tục như thế nào?
- Kịch bản chương trình tổng kết chi bộ cuối năm? Tổ chức cơ sở đảng có bao nhiêu đảng viên thì lập chi bộ cơ sở?
- Tổng hợp mẫu biên bản nghiệm thu thông dụng nhất hiện nay? Tải về ở đâu? Biên bản nghiệm thu là gì?