Có phải công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế không? Nếu có thì thủ tục từ chối di sản tại tổ chức hành nghề công chứng như thế nào?
Có được từ chối nhận di sản thừa kế không?
Căn cứ Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:
"Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản."
Như vậy, đảm bảo các điều kiện này thì được từ chối nhận di sản thừa kế.
Tải về mẫu văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế mới nhất 2023: Tại Đây
Từ chối nhận di sản thừa kế
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có bắt buộc công chứng không?
Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
"Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."
Và như trên đề cập thì việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản và phải được lập thành văn bản, tuy nhiên không có đề cập đến việc phải công chứng, chứng thực. Do đó, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế không bắt buộc thực hiện công chứng.
Thủ tục từ chối di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề Công chứng như thế nào?
Căn cứ Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản từ chối nhận di sản như sau:
"Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản
Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết."
Theo Điều 40 Luật Công chứng 2014, thủ tục từ chối di sản thừa kế thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ:
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Dự thảo Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có)
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản
- Di chúc (nếu có)
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người từ chối di sản
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết
- Giấy tờ nhân thân của người từ chối nhận di sản
(Điều 59 Luật Công chứng 2014)
Bước 2: Liên hệ và nộp các giấy tờ đã chuẩn bị cho Phòng/Văn phòng công chứng
Bước 3: Công chứng viên kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ và điều kiện từ chối di sản của người yêu cầu:
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp pháp thì tiếp nhận và xử lý
- Nếu hồ sơ thiếu, sai sót, Công chứng viên sẽ yêu cầu và hướng dẫn bổ sung, sửa chữa
- Nếu thấy không đủ cơ sở để giải quyết, Công chứng viên từ chối tiếp nhận và xử lý
Bước 4: Nếu đã có dự thảo văn bản thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo, đề nghị sửa chữa nếu phát hiện có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Nếu chưa có dự thảo văn bản thì Công chứng viên tự soạn thảo theo yêu cầu của người từ chối thừa kế. Sau đó, người yêu cầu sẽ tự đọc lại hoặc được Công chứng viên đọc cho nghe nội dung.
Sau khi đồng ý mọi nội dung trong dự thảo thì người từ chối di sản được Công chứng viên hướng dẫn ký, điểm chỉ vào Văn bản. Sau đó, Công chứng viên ghi lời chứng và ký vào các trang của văn bản, đóng dấu, thu phí công chứng và trả kết quả cho người yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dấu hợp quy được sử dụng như thế nào? Tổ chức công bố hợp quy sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa khi nào?
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?
- Chi phí bán hàng là gì? Cách hạch toán chi phí bán hàng theo Thông tư 200? Tài khoản chi phí bán hàng?
- Quy định 22 về đình chỉ sinh hoạt đảng? Đảng viên bị khởi tố có bị đình chỉ sinh hoạt đảng không?