Có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp hay không?
Chủ thể nào có thể ủy quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bao bì giả mạo?
Chủ thể nào có thể ủy quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bao bì giả mạo? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định yêu cầu xử lý hành vi vi phạm như sau:
Quyền yêu cầu xử lý vi phạm và thẩm quyền chủ động phát hiện, xử lý vi phạm
1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bao gồm:
a) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;
b) Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý vi phạm.
Khi thực hiện yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 211 của Luật sở hữu trí tuệ và hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 của Luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản này phải nêu rõ tính chất, mức độ vi phạm trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm và cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Nghị định này.
...
Theo đó, cơ sở sản xuất của bạn là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bao bì bánh ngọt bị xâm phạm cho nên cơ sở sản xuất của bạn sẽ có quyền yêu cầu xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm đó.
Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định yêu cầu về ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm như sau:
Ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm
1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định này nếu không trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tiến hành thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm quy định tại Nghị định này.
...
Theo đó, trong trường hợp của bạn, người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất nếu không trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tiến hành thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm quy định dưới hình thức nào?
Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định yêu cầu về ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm như sau:
…
2. Việc ủy quyền phải được làm bằng văn bản dưới hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.
Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền và con dấu xác nhận của bên ủy quyền, nếu có con dấu đăng ký hợp pháp.
Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền.
3. Văn bản ủy quyền nộp kèm theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải là bản gốc. Văn bản ủy quyền làm bằng tiếng nước ngoài thì phải nộp kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc có cam kết và xác nhận của đại diện sở hữu công nghiệp là bên nhận ủy quyền.
Trường hợp văn bản ủy quyền là bản sao của bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp trong hồ sơ trước đó cho cùng cơ quan xử lý vi phạm thì cũng được coi là hợp lệ, với điều kiện người nộp đơn phải chỉ rõ số hồ sơ đã nộp và bản gốc văn bản ủy quyền được chỉ dẫn vẫn đang có hiệu lực và đúng nội dung ủy quyền.
4. Văn bản ủy quyền có giá trị trong thủ tục xác lập quyền theo quy định tại Điều 107 của Luật sở hữu trí tuệ có ghi rõ nội dung ủy quyền bao gồm thủ tục thực thi, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam thì cũng có giá trị pháp lý trong thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này.
5. Thời hạn ủy quyền được xác định theo thời hạn ghi trong văn bản ủy quyền. Trong trường hợp văn bản ủy quyền không ghi rõ thời hạn thì thời hạn ủy quyền được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 107 của Luật sở hữu trí tuệ.
Theo đó, việc ủy quyền yêu cầu xử lý hành vi vi phạm phải được làm bằng văn bản dưới 02 hình thức là giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.
Đồng thời văn bản ủy quyền khi được nộp kèm theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm cần đảm bảo được các điều kiện được quy định nêu trên và lưu ý một số trường hợp được quy định tại Điều 22 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như sau:
(1) Trường hợp văn bản ủy quyền gốc bao gồm nội dung ủy quyền thực hiện thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đã nộp trong hồ sơ trước đó cho cùng cơ quan xử lý vi phạm thì chủ thể quyền nộp bản sao và chỉ dẫn đến bản gốc văn bản ủy quyền đó.
(2) Trường hợp văn bản ủy quyền gốc bao gồm nội dung ủy quyền thực hiện thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thì chủ thể quyền nộp bản sao có xác nhận của cơ quan đang lưu giữ bản gốc văn bản ủy quyền.
Văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định yêu cầu về văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài là phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền.
Dẫn chiếu theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự quy định:
Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Như vậy theo quy định nêu trên về hợp pháp hóa lãnh sự thì để các giấy tờ, tài liệu nước ngoài được công nhận và sử dụng tại Việt Nam thì con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ đó phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chứng nhận, trừ các các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự được quy định tại Điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP như sau:
+ Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
+ Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
+ Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
Theo đó, văn bản ủy quyền trong xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp không phải là trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy hoạch làm căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng là cơ sở xem xét cấp giấy phép xây dựng gồm những loại quy hoạch nào?
- Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quan hệ lao động theo Thông tư 11?
- Mẫu danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng mới nhất là mẫu nào?
- Lỗi phạt nguội bao lâu thì lên hệ thống 2025? Cách check Biển số xe bị phạt nguội trên csgt vn?
- Cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế theo Nghị định 29 được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định 178 khi nào?