Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam được áp dụng với các đơn vị nào? Trách nhiệm của người làm công tác kiểm toán nội bộ là gì?
Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam được áp dụng với các đơn vị nào?
Tại Điều 2 Thông tư 8/2021/TT-BTC có quy định về đối tượng áp dụng chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ và các tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán nội bộ của các đơn vị này.
Theo đó, chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam áp dụng đối với 03 đối tượng đó là các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 8 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, Điều 9 Nghị định 05/2019/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Điều 8. Công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.
Điều 9. Công tác kiểm toán nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm: số biên chế có mặt, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.
Điều 10. Công tác kiểm toán nội bộ đối với các doanh nghiệp
1. Các đơn vị sau đây phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ:
a) Công ty niêm yết;
b) Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
c) Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
2. Các doanh nghiệp không quy định tại khoản 1 Điều này được khuyến khích thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.
3. Các doanh nghiệp quy định tại Điều này có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này.
Việc đi thuê thực hiện kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam (Hình từ Internet)
Người làm công tác kiểm toán nội bộ có trách nhiệm như thế nào?
Theo Phụ lục I Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam được ban hành kèm theo Thông tư 8/2021/TT-BTC có giải thích như sau: Người làm công tác kiểm toán nội bộ: là người thực hiện công tác kiểm toán nội bộ của đơn vị.
Cũng theo Phụ lục này có quy định về trách nhiệm của người làm công tác kiểm toán nội bộ:
Mục đích của chuẩn mực
...
Chuẩn mực được áp dụng cho người làm công tác kiểm toán nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ. Người làm công tác kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực liên quan đến tính khách quan của cá nhân, thành thạo chuyên môn, thận trọng nghề nghiệp và các chuẩn mực liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công việc của mình. Đối với người phụ trách kiểm toán nội bộ còn có thêm trách nhiệm về việc tổng thể hoạt động kiểm toán tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán nội bộ.
Nếu người làm công tác kiểm toán nội bộ hoặc bộ phận kiểm toán nội bộ không thể tuân thủ với những phần nhất định của chuẩn mực do bị cấm bởi pháp luật hoặc quy định thì vẫn cần phải tuân thủ với những phần khác của chuẩn mực và phải có những giải trình phù hợp.
Như vậy người làm công tác kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực liên quan đến tính khách quan của cá nhân, thành thạo chuyên môn, thận trọng nghề nghiệp và các chuẩn mực liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công việc của mình.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp thế nào?
Tại Phụ lục II Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ được ban hành kèm theo Thông tư 8/2021/TT-BTC có nêu:
Người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững các nguyên tắc đạo đức sau:
1. Tính chính trực
Tính chính trực của người làm công tác kiểm toán nội bộ thiết lập sự tin tưởng và tạo ra cơ sở cho độ tin cậy đối với các xét đoán của họ.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm;
Tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ; không tham gia các hoạt động phi pháp hay tham gia các hoạt động làm tổn hại đến uy tín của nghề nghiệp, uy tín của đơn vị.
2. Tính khách quan
Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm tra.
Người làm công tác kiểm toán nội bộ đưa ra những đánh giá khách quan về tất cả các tình huống thích hợp và không bị tác động bởi lợi ích cá nhân của chính mình hoặc của những người khác trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình.
3. Tính bảo mật
Người làm công tác kiểm toán nội bộ tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.
4. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng
Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong việc cung cấp các dịch vụ và các hoạt động kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.
5. Tư cách nghề nghiệp
Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.
* Người phụ trách kiểm toán nội bộ ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Phụ lục II - Phần các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ còn phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác kiểm toán nội bộ tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?