Cảnh sát giao thông có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi người dân không có hành vi vi phạm an toàn giao thông không?
- Cảnh sát giao thông có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi người dân không có hành vi vi phạm an toàn giao thông không?
- Người điều khiển xe gắn máy có quyền từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông khi không uống rượu bia hay không?
- Khi yêu cầu dừng phương tiện, cảnh sát giao thông phải dùng hiệu lệnh gì?
Cảnh sát giao thông có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi người dân không có hành vi vi phạm an toàn giao thông không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát thì cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm soát trong các trường hợp sau đây:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành…
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng xe để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, mặc dù người lái xe không vi phạm giao thông thì cảnh sát giao thông vẫn được dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn trong trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề, có tin báo, phản ánh của người dân hoặc các trường hợp khác được nêu trên.
Cảnh sát giao thông có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi người dân không có hành vi vi phạm an toàn giao thông không? (Hình từ Internet).
Người điều khiển xe gắn máy có quyền từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông khi không uống rượu bia hay không?
Căn cứ theo điểm g khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
b) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
c) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
d) Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
đ) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
h) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
i) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
...
Theo đó, người điều khiển xe gắn máy nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ thì mức xử phạt đối với hành vi này là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Như vậy, người điều khiển xe gắn máy không được từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ ngay cả khi không uống rượu bia.
Khi yêu cầu dừng phương tiện, cảnh sát giao thông phải dùng hiệu lệnh gì?
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang tuần tra, kiểm soát cơ động như sau:
- Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau:
+ Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
+ Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
- Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động:
+ Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát:
Cán bộ Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất;
Sử dụng còi, loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông;
+ Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát
Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
Hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.
Trường hợp cần thiết, nếu bảo đảm an toàn, phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có thể vượt lên phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát và thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông theo quy định cùng chiều và ở phía trước.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Như vậy, khi đang tiến hành tuần tra, kiểm soát cơ động thì cảnh sát giao thông phải thực hiện các hiệu lệnh theo quy định để yêu cầu dừng xe.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?