Căn cước công dân bị mất thì đến đâu để làm lại? Trình tự, thủ tục, lệ phí làm lại căn cước công dân được quy định như thế nào trong luật?
Mất thẻ căn cước công dân, cấp mới hay cấp lại?
Mất thẻ căn cước công dân, cấp mới hay cấp lại?
Trường hợp người dân bị mất căn cước công dân được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 như sau:
"2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân”
Do đó, khi làm mất thẻ căn cước công dân, bạn cần làm thủ tục xin cấp lại, không phải cấp mới một thẻ căn cước công dân khác.
Cơ quan nào tiếp nhận nhu cầu khai báo việc mất căn cước công dân?
Khi bị mất căn cước công dân, bạn cần đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị được cấp lại thẻ căn cước công dân khác. Vấn đề này được quy định tại Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA như sau:
“1. Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
2. Trường hợp công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị. Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.”
Như vậy, bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau:
(1) Trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền nơi bạn có địa chỉ thường trú hoặc tạm trú để đề nghị cấp lại thẻ căn cước công dân
(2) Trước tiên, bạn có thể lựa chọn dịch vụ kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu chắc chắn các thông tin trên đã chính xác, không có gì cần thay đổi, bổ sung thì tiến hành đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Lúc này, hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của bạn về cơ quan Công an nơi bạn muốn làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân. Trong trường hợp thông tin của bạn có thay đổi, bổ sung thì khi đến làm căn cước công dân, bạn cần đem theo các giấy tờ hợp pháp để chứng minh những nội dung có thay đổi với cơ quan Công an.
Trình tự, thủ tục xin cấp lại căn cước công dân
Cán bộ thực hiện việc cấp lại căn cước công dân sẽ đánh giá việc bạn có đủ điều kiện cấp lại thẻ căn cước công dân hay không theo quy định tại Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA. Nếu không đủ điều kiện để cấp lại thẻ căn cước công dân, cán bộ thực hiện sẽ từ chối việc này và nêu rõ lý do cho bạn; nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bạn đủ điều kiện để được cấp lại thẻ căn cước công dân, cán bộ sẽ tiếp nhận đề nghị và thực hiện theo quy trình được quy định tại Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA và Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, cụ thể như sau:
(1) Tìm kiếm thông tin của bạn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp lại thẻ căn cước công dân
(2) Lựa chọn loại cấp căn cước công dân (cấp lại) và tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của bạn.
(3) Thu nhận vân tay của công dân theo các bước như sau:
- Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay phải (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);
- Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay trái (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);
- Thu nhận vân tay phẳng của 2 ngón cái chụm;
- Thu nhận vân tay lăn 10 ngón theo thứ tự: Ngón cái phải, ngón trỏ phải, ngón giữa phải, ngón áp út phải, ngón út phải, ngón cái trái, ngón trỏ trái, ngón giữa trái, ngón áp út trái, ngón út trái.
- Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
(4) Chụp ảnh chân dung
- Là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính;
- Trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự. Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.
(5) In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân để bạn kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên; cán bộ thu nhận thông tin công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.
(6) In Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.
(7) Thu lệ phí theo quy định.
(8) Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân.
(9) Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân.
(10) Ngay trong ngày làm việc, cán bộ thu nhận thông tin công dân có trách nhiệm bàn giao hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho bộ phận phân loại hồ sơ, chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) nơi công dân đăng ký thường trú.
Công an cấp xã trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư phải tiến hành kiểm tra xác minh và thực hiện phê duyệt, cập nhật thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cấp lại căn cước công dân có được miễn lệ phí hay không?
Theo quy định tại số thứ tự 26 Điều 1 Thông tư 120/2021/TT-BTC: Lệ phí cấp căn cước công dân “Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.”
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC về mức thu lệ phí đối với trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ như sau:
“Điều 4. Mức thu lệ phí
...
3. Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. “
Theo đó, từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022 mức thu lệ phí đối với trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất là : 35.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Lưu ý: Kể từ ngày 01/07/2022 trở đi, mức thu lệ phí cấp căn cước công dân thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC.
Vì lẽ đó, việc cấp lại căn cước công dân không được miễn lệ phí.
Như vậy, trường hợp bị mất căn cước công dân, bạn cần đến cơ quan có thẩm quyền quản lý căn cước để thực hiện thủ tục yêu cầu cấp lại thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, bài viết còn cung cấp một số thông tin về nơi thực hiện, trình tự, thủ tục và lệ phí khi bạn muốn được cấp lại thẻ căn cước công dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?