Cá nhân sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả bị phạt tối đa bao nhiêu năm tù theo quy định của pháp luật?
Giấy đăng ký kết hôn là gì? Những thông tin nào bắt buộc phải có trên Giấy đăng ký kết hôn?
Giấy chứng nhận kết hôn hay còn gọi là Giấy đăng ký kết hôn được định nghĩa tại khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Hộ tịch 2014.
Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Hộ tịch 2014, cụ thể như sau:
- Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Cá nhân sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả bị phạt tối đa bao nhiêu năm tù theo quy định?
Căn cứ tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, trong trường hợp cá nhân sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu giả (giấy tờ giả) của cơ quan, tổ chức.
Trong đó, khung hình phạt cao nhất của Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là từ 03 năm đến 07 năm tù theo quy định.
Từ đó, khung hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù áp dụng đối với cá nhân sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả để:
- Thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hoặc
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cá nhân sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả bị phạt tối đa bao nhiêu năm tù theo quy định? (Hình từ Internet)
Cá nhân có hành vi sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, khoản 4 Điều 38 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn:
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, đối với cá nhân có hành vi sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Link xem trực tiếp Chung kết Mr World 2024 ở đâu? Chung kết Mr World 2024 vào lúc mấy giờ?
- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có được hỗ trợ trong hoạt động khuyến công?
- Ngày 6 tháng 12 là ngày bao nhiêu âm, có phải ngày lễ lớn? Ngày 6 tháng 12 là ngày gì đối với Hội Cựu chiến binh Việt Nam?
- Lập tức ngừng cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng khi nhận quyết định thu hồi văn bản chấp thuận?
- Hướng dẫn giải quyết gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo Thông tư 69/2024?