Cá nhân khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt có phải đăng ký hành nghề không? Nộp hồ sơ đề nghị khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt về đâu?
Cá nhân khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt có phải đăng ký hành nghề không?
Theo quy định tại Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 về nguyên tắc đăng ký hành nghề như sau:
Nguyên tắc đăng ký hành nghề
1. Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công:
a) Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề;
b) Phụ trách một bộ phận chuyên môn;
c) Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, theo nguyên tắc người hành nghề khám chữa bệnh được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hay được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn.
Trường hợp cá nhân là người khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt thì không phải đăng ký hành nghề.
Cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt có phải đăng ký hành nghề không? (Hình từ Internet)
Cá nhân nộp hồ sơ đề nghị khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt về cơ quan nào?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 83 Nghị định 96/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều kiện tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám sức khỏe)
...
3. Hồ sơ đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động gửi về:
a) Bộ Y tế cho phép đối với:
- Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc lưu động tại 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
b) Bộ Quốc phòng đối với trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
c) Bộ Công an đối với trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
d) Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
...
Theo quy định trên, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt về cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 83 Nghị định 96/2023/NĐ-CP.
Điều kiện thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt là gì?
Căn cứ vào Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận như sau:
Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận
1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có quyền đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận tại Việt Nam.
2. Điều kiện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt quy định như sau:
a) Được thực hiện bởi người hành nghề hoặc người quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này;
b) Được thực hiện bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tổ chức được phép hoạt động tại Việt Nam;
c) Có nguồn tài chính cho việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và miễn phí toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo;
d) Được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.
3. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận quy định như sau:
a) Đáp ứng các yêu cầu để cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật này;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo phải có nguồn tài chính cho việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và miễn phí toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo;
c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn; phần thu nhập hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia được sử dụng để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Việc cam kết phải được ghi nhận trong quyết định về thành lập hoặc chuyển đổi loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, điều kiện thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt bao gồm:
(1) Được thực hiện bởi người hành nghề hoặc người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
- Đã có giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt
- Hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám chữa bệnh hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
(2) Được thực hiện bởi cơ sở khám chữa bệnh hoặc tổ chức được phép hoạt động tại Việt Nam;
(3) Có nguồn tài chính cho việc tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo và miễn phí toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo;
(4) Được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bị vu khống trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Vu khống người khác trộm cắp tài sản có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
- Giáng sinh ngày mấy tháng mấy? Lễ Giáng sinh là lễ lớn ở Việt Nam? Công dân có những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nào?
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?
- 06 nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính? Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ?
- Tải về mẫu quyết định thưởng lương tháng 13? Công ty có nghĩa vụ thưởng lương tháng 13 cho người lao động?