Bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện bị phạt bao nhiêu tiền?
- Bộ đội xuất ngũ có bắt buộc thực hiện lệnh gọi tập trung huấn luyện không?
- Bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện bị phạt bao nhiêu tiền?
- Thời điểm tính thời hiệu xử phạt bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện là khi nào?
Bộ đội xuất ngũ có bắt buộc thực hiện lệnh gọi tập trung huấn luyện không?
Theo các khoản 4, khoản 6 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 giải thích thì xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.
Và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Theo Điều 45 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thì hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.
Lực lượng dự bị động viên được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự (theo khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019)
Và ngạch sĩ quan dự bị là ngạch gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ (theo khoản 3 Điều 7 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008)
Như vậy, trường hợp bạn đã xuất ngũ thì trong 15 ngày làm việc từ khi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.
Vì vậy, có thể hiểu bạn là bộ đội xuất ngũ thì được xem là quân nhân dự bị, được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Căn cứ theo Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 quy định:
Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên
1. Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra sức khỏe;
b) Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
c) Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;
d) Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
2. Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;
c) Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
d) Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Theo đó, việc thực hiện lệnh gọi huấn luyện là trách nhiệm của quân nhân dự bị. Vì vậy, bộ đội xuất ngũ được xem là quân nhân dự bị phải thực hiện lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Xử phạt bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện? (Hình từ Internet)
Bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
Và theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Mục 2 Chương II được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 9; khoản 3 Điều 11; khoản 2, khoản 3 Điều 12; khoản 1, khoản 2 Điều 15; Điều 16; Điều 17 và Điều 21 là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện mà không có lý do chính đáng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Thời điểm tính thời hiệu xử phạt bộ đội xuất ngũ không có mặt đúng thời gian ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện là khi nào?
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn có mặt được ghi trong lệnh hoặc văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 225-QĐ/TW về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ra sao?
- Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không phải khai tổng hợp trong những trường hợp nào?
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?