Bảo lãnh Chính phủ là gì? Đối tượng nào được bảo lãnh Chính phủ? Điều kiện để được cấp bảo lãnh Chính phủ là gì?
Bảo lãnh Chính phủ là gì?
Bảo lãnh Chính phủ
Khoản 20 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định về khái niệm bảo lãnh Chính phủ như sau:
"20. Bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ."
Đối tượng nào được bảo lãnh Chính phủ?
Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ được quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công 2017, hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Nghị định 91/2018/NĐ-CP gồm:
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
- Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Điều kiện để được cấp bảo lãnh Chính phủ là gì?
Mỗi đối tượng được bảo lãnh Chính phủ theo quy định trên cần đáp ứng những điều kiện cụ thể theo quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP như sau:
(1) Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1, 3 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, khoản 1 Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
- Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh;- Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại được quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý nợ công 2017, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng khác.- Bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;
- Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
- Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 20 Nghị định này;
- Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án;
- Trong trường hợp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công chứng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(2) Đối với ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng của Nhà nước (khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, khoản 2 Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
- Khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, các đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tương ứng để có thể được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ đối với khoản trái phiếu của ngân hàng chính sách được quy định như thế nào?
Điều 47 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản phát hành trái phiếu của ngân hàng chính sách gồm:
(1) Văn bản đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ của ngân hàng chính sách đối với khoản phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước.
(2) Đề án phát hành trái phiếu bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Đề xuất nhu cầu huy động và sử dụng vốn thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó bao gồm nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Phương án huy động các nguồn vốn thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn phát hành trái phiếu;
- Dự kiến điều kiện, điều khoản của trái phiếu bao gồm: khối lượng; kỳ hạn (từ 01 năm trở lên); phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu;
- Dự kiến kế hoạch phát hành và sử dụng vốn trái phiếu;
- Phương án sử dụng và quản lý vốn trái phiếu và dự kiến việc mua lại, hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh (nếu có);
- Phương án bố trí nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn;
- Các cam kết của đối tượng được bảo lãnh đối với đối tượng mua trái phiếu;
- Tình hình tài chính của ngân hàng chính sách trong 03 năm liền kề trước năm kế hoạch, bao gồm vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, tổng nguồn vốn huy động, tổng thu, tổng chi, chênh lệch thu - chi và tình hình cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của Nhà nước cho ngân hàng chính sách;
- Tình hình huy động và sử dụng vốn thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước trong từng năm của 03 năm liền kề trước năm kế hoạch, trong đó nêu rõ:
+ Tổng nguồn vốn huy động trong từng năm phân theo từng loại nguồn vốn, trong đó bao gồm: nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và từ các nguồn huy động khác; nguồn vốn từ thu hồi cho vay; nguồn vốn gối đầu năm liền kề trước chuyển sang.
+ Tình hình sử dụng vốn trong từng năm, trong đó bao gồm: trả nợ gốc vốn huy động đến hạn (trong đó có chi trả nợ gốc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh); thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu (dư nợ đầu năm, cho vay mới trong năm, thu hồi cho vay trong năm và dư nợ cuối năm); nguồn vốn chuyển sang năm sau và sử dụng vốn khác.
- Tình hình phát hành, thanh toán nợ gốc, nợ lãi và dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong 03 năm liền kề trước năm kế hoạch.
(3) Văn bản phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách hoặc người được ủy quyền theo quy định tại điều lệ tổ chức, hoạt động của ngân hàng chính sách.
(4) Báo cáo tài chính của 02 năm trước năm liền kề năm kế hoạch đã được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập (trong trường hợp Kiểm toán nhà nước không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm đó) và báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm kế hoạch được Tổng giám đốc ngân hàng chính sách phê duyệt.
(5) Các văn bản chứng minh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này:
- Quyết định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
- Các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình tín dụng mục tiêu khác của Nhà nước (nếu chương trình này chưa thuộc kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã được phê duyệt).
Theo đó, ngân hàng chính sách nếu có nhu cầu đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ đối với khoản trái phiếu thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm dầy đủ những thành phần trên.
Như vậy, bảo lãnh Chính phủ là văn bản cam kết của Chính phủ với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện luật định để có thể nhận được khoản bảo lãnh nói trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tết Táo Quân là gì? Tết Táo Quân ngày 23 12 âm lịch đúng không? Ngày 23 12 âm lịch người lao động được nghỉ Tết Âm lịch năm Ất Tỵ chưa?
- Mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là mẫu nào?
- Mẫu giấy phép xây dựng điều chỉnh cho công trình không theo tuyến theo Nghị định 175 thay thế Nghị định 15?
- Xe máy lắp gương thời trang có bị phạt không? Lắp gương thời trang bên trái bị phạt trong trường hợp nào?
- Ngày 24 1 có sự kiện gì? Ngày 24 1 cung gì? Ngày 24 1 CBCCVC đã được nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?