Bảo hiểm tiền gửi là gì? Những đối tượng nào có thể tham gia vào quan hệ này? Quyền và nghĩa vụ của những chủ thể nói trên?
Bảo hiểm tiền gửi là gì?
Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về khái niệm bảo hiểm tiền gửi như sau:
"1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản."
Theo đó, bảo hiểm tiền gửi được hiểu đơn giản như một khoản tiền bảo đảm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của người được bảo hiểm tiền gửi trong mối quan hệ này.
Những đối tượng nào tham gia vào quan hệ bảo hiểm tiền gửi?
Đối tượng tham gia vào quan hệ bảo hiểm tiền gửi
Những đối tượng trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi có thể kể đến như:
(1) Người được bảo hiểm tiền gửi: là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. (khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012)
(2) Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; tổ chức tài chính vi mô (theo khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 và khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP)
(3) Tổ chức bảo hiểm tiền gửi: là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. (khoản 4 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 và khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 68/2013/NĐ-CP)
Ngoài ra còn một số tổ chức, cá nhân khác có thể tham gia vào mối quan hệ bảo hiểm tiền gửi này cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 và các văn bản khác liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của từng đối tượng là gì?
Quyền và nghĩa vụ của 3 nhóm đối tượng nêu trên được quy định cụ thể như sau:
(1) Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi: quy định tại Điều 11 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012
- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.
- Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này.
- Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
- Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.
(2) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012
- Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.
- Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
(3) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi: quy định tại Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012
- Xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm.
- Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.
- Quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn bảo hiểm tiền gửi.
- Chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.
- Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
- Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
- Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
- Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động.
- Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ.
- Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể về bảo hiểm tiền gửi và những chủ thể tham gia vào mối quan hệ này nhằm đảm bảo hoạt động bảo hiểm tiền gửi được thực hiện một cách nhịp nhàng, không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?
- Tổng hợp mẫu vẽ tranh vẽ ngày tết đơn giản 2025 đẹp nhất? Đánh giá định kỳ, thường xuyên học sinh tiểu học thế nào?