Ai là người chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi? Thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi là bao lâu?
Ai là người chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 định nghĩa về phí bảo hiểm tiền gửi như sau:
Giải thích từ ngữ
...
5. Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, tại Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
2. Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
3. Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.
4. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Ai là người chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi? Thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi là bao lâu? (Hình từ Internet)
Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 như sau:
Phí bảo hiểm tiền gửi
1. Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
3. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
4. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
5. Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
Lưu ý: Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp phí trùng vào ngày Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nộp vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần đó (Điều 6 Thông tư 24/2014/TT-NHNN).
Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi phải chịu phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 như sau:
Phí nộp thiếu, nộp chậm
1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 20 của Luật này, thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.
...
Như vậy, trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu tổ chức còn phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.
Lưu ý: Cũng theo Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có quy định như sau:
- Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lý.
- Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí lần thứ hai, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?
- Chi phí bán hàng là gì? Cách hạch toán chi phí bán hàng theo Thông tư 200? Tài khoản chi phí bán hàng?
- Quy định 22 về đình chỉ sinh hoạt đảng? Đảng viên bị khởi tố có bị đình chỉ sinh hoạt đảng không?
- Số lượng thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập có bắt buộc phải là số lẻ không?