18+ là bao nhiêu tuổi? Chủ thể phổ biến phim 18+ trên mạng xã hội phải bảo đảm điều gì theo quy định?
18+ là bao nhiêu tuổi?
Hiện nay, pháp luật không quy định 18+ là người bao nhiêu tuổi, tuy nhiên, con số (18+) được nhắc đến tại khoản 1 Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 về việc phân loại phim, trong đó, loại phim 18+ là loại phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên, cụ thể như sau:
Phân loại phim
1. Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:
a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
b) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
c) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
d) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.
2. Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Như vậy, nói về độ tuổi, 18+ có thể hiểu là người từ đủ 18 tuổi trở lên (người đủ 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người từ đủ mười tám tuổi trở lên được xem là người thành niên.
18+ là bao nhiêu tuổi? Chủ thể phổ biến phim 18+ trên mạng xã hội phải bảo đảm điều gì theo quy định? (Hình từ Internet)
Tiêu chí phân loại phim 18+ được quy định như thế nào?
Tiêu chí phân loại phim 18+ được quy định tại Mục II Phụ lục Tiêu chí phân loại phim ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL, cụ thể như sau:
(1) Chủ đề, nội dung
- Nội dung phim đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim;
- Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em có thể miêu tả ở mức độ mạnh, miêu tả chi tiết, tác động đến người xem ở mức độ mạnh nhưng không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài;
- Đối với các chủ đề, nội dung nhạy cảm, đề tài hiện thực về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế có thể miêu tả ở mức độ trung bình, có thể khai thác sâu nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.
(2) Bạo lực
- Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hành vi bạo lực tác động đến người xem từ trên miêu tả ở mức độ mạnh đến dưới miêu tả ở mức độ quá mức; có thể miêu tả ở mức độ mạnh nhưng không có thời lượng kéo dài, tần suất ở mức độ trung bình và phù hợp với thể loại phim;
- Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ trung bình và phải phù hợp với nội dung phim.
(3) Khỏa thân, tình dục
- Có thể có hình ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể người được miêu tả ở mức độ trung bình, không có thời lượng kéo dài, không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, phù hợp với nội dung phim nhưng không lạm dụng hình ảnh khỏa thân, không kích động tình dục;
- Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu.
(4) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện
- Như mức phân loại T16;
- Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, sản xuất, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi sai trái đó và kết quả, những nhân vật thực hiện hành động này phải bị trừng phạt, loại trừ.
(5) Kinh dị
Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả ở mức độ mạnh với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không có thời lượng kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người xem.
(6) Ngôn ngữ thô tục
- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ mạnh hơn so với phim được phân loại ở mức T16 nhưng không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục;
- Đối với phim đề tài phản ánh hiện thực xã hội, có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được diễn ra thường xuyên nhưng không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim.
(7) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước
- Khi nội dung phim chứa các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ nguy hiểm, dễ bắt chước hoặc cách xử lý có nguy cơ gây tổn hại cho các cá nhân hoặc thông qua hành vi của họ có thể gây hại cho xã hội, thì kết quả phải được xử lý triệt để, có thông điệp giáo dục và ngăn chặn;
- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi dễ bắt chước không được miêu tả chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.
Chủ thể phổ biến phim 18+ trên mạng xã hội phải bảo đảm điều gì?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Điện ảnh 2022 thì chủ thể phổ biến phim 18+ trên mạng xã hội phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Điện ảnh 2022, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
+ Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim;
Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Luật Điện ảnh 2022;
+ Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;
+ Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật Điện ảnh 2022;
+ Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ;
+ Gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Lưu ý:
Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời điểm xuất hóa đơn khi cung cấp dịch vụ có thu tiền trước? Dịch vụ trong nước thì lập hóa đơn nào để khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp?
- Thông tư 14/2024 về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông thế nào?
- Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm đúng không? Những biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai?
- Cách phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con? Điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS hiện nay như thế nào?
- Lời dẫn chương trình Noel giáo xứ 2024 ngắn gọn? Lời dẫn chương trình Giáng sinh tại giáo xứ 2024?