15 tuổi có được làm thẻ căn cước công dân gắn chip chưa? Thủ tục đổi căn cước công dân từ chứng minh nhân dân 9 số như thế nào?
15 tuổi được làm căn cước công dân gắn chip chưa?
Căn cước công dân được xem là những thông tin cơ bản, riêng biệt để một người được phân biệt với những người khác thông qua các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, đặc điểm nhận dạng.
Khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
“Điều 19. Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.”
Như vậy, con gái của bạn đã đủ điều kiện để được làm căn cước công dân gắn chip.
15 tuổi được làm căn cước công dân chưa?
Có thể đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân gắn chip không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì phải đổi thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 38 còn quy định:
“2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.”
Như vậy, nếu bạn có yêu cầu được cấp đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân có gắn chip thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân
Thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chip từ chứng minh nhân dân thực hiện như thế nào?
Căn cứ các quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA, thủ tục đổi thẻ căn cước công dân gắn chip được quy định như sau:
Bước 1: Yêu cầu cấp đổi thẻ căn cước công dân
Căn cứ Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA, bạn có thể đến địa điểm làm thủ tục cấp căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân.
Một số địa điểm làm thủ tục đổi căn cước công dân được quy định tại Điều 26 Luật căn cước công dân 2014 như sau:
Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Bước 2: Tiếp nhận đề nghị đổi căn cước công dân
Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA có quy định rõ:
Trường hợp đủ điều kiện đổi thẻ Căn cước công dân thì cán bộ thực hiện tiếp nhận đề nghị và thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Trường hợp không đủ điều kiện đổi thẻ Căn cước công dân thì cán bộ thực hiện từ chối tiếp nhận đề nghị và nêu rõ lý do.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo luật định.
Bước 3: Thu nhận thông tin công dân
Sau khi tiếp nhận đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin công dân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA:
“1. Tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
a) Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
b) Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
c) Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.”
Bước 4: Chụp ảnh, thu thập vân tay
Trường hợp bạn có đủ điều kiện thì cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA.
Bước 5: Trả kết quả
Nộp lệ phí, sau đó nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân; nhận thẻ căn cước công dân tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện (bạn tự trả phí).
Theo quy định tại mục 26 Điều 1 Thông tư 120/2021/TT-BTC: Lệ phí cấp căn cước công dân “Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.”
Theo đó, mức lệ phí khi đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC là 30.000 đồng. Do đó, từ ngày 01/01/2022 đến hết 30/6/2022, mức thu lệ phí dành cho trường hợp này chỉ còn 15.000 đồng/thẻ căn cước công dân
Thời hạn giải quyết: tối đa 8 ngày làm việc (Điều 11 Thông tư 60/2021/TT-BCA).
Như vậy, con gái của bạn đã đủ điều kiện để được cấp căn cước công dân có gắn chip. Bên cạnh đó, bạn có thể yêu cầu cấp đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân có gắn chip theo trình tự, thủ tục nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình cơ bản trong công tác nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin? Tài liệu sau khi nghiệm thu phải được lưu trữ đúng không?
- Nội dung thi cụ thể Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc gồm những gì? Có mấy phần thi?
- Chính sách việc làm công được thực hiện qua đâu? Thứ tự ưu tiên đối tượng tham gia chính sách việc làm công thế nào?
- Công bố hợp quy là gì? Đối tượng của công bố hợp quy là gì? Công bố hợp quy dựa trên biện pháp gì?
- Quy định về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Bên bảo lãnh có những quyền gì?