112, 113, 114, 115 là số điện thoại gì? Gọi 113, 114, 115 để quấy rối, đe dọa, xúc phạm xử phạt bao nhiêu?
112, 113, 114, 115 là số điện thoại gì?
Căn cứ quy định tại Điều 13 Quy hoạch kho số viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT như sau:
Số dịch vụ mạng viễn thông cố định mặt đất
1. Số dịch vụ khẩn cấp được quy hoạch theo nguyên tắc sau:
a) Có độ dài 3 chữ số;
b) Có cấu trúc cụ thể như sau: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hoả; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế;
c) Số dịch vụ khẩn cấp là số dịch vụ toàn quốc.
2. Số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc được quy hoạch theo nguyên tắc sau:
a) Có độ dài 3 chữ số;
b) Có cấu trúc cụ thể như sau: 101 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại trong nước qua điện thoại viên; 110 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại quốc tế qua điện thoại viên; 116 là số dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại mạng viễn thông cố định mặt đất; 119 là số dịch vụ báo hỏng số máy điện thoại cố định;
c) Số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc là số dùng chung.
...
Như vậy, các số điện thoại 112, 113, 114, 115 là các số điện thoại khẩn cấp; cụ thể:
- 112 là số điện thoại gọi tìm kiếm, cứu nạn;
- 113 là số điện thoại gọi Công an;
- 114 là số điện thoại gọi Cứu hoả;
- 115 là số điện thoại gọi Cấp cứu y tế.
112, 113, 114, 115 là số điện thoại gì? Gọi 113, 114, 115 để quấy rối, đe dọa, xúc phạm xử phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 để quấy rối, đe dọa, xúc phạm thì áp dụng mức xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
d) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm;
đ) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”;
...
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp cá nhân có hành vi gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 để quấy rối, đe dọa, xúc phạm thì áp dụng mức phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lưu ý: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm nêu trên, mức phạt hành chính áp dụng với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Việc bảo đảm bí mật thông tin trong hoạt động viễn thông được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Viễn thông 2023, việc bảo đảm bí mật thông tin trong hoạt động viễn thông được quy định cụ thể như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
(2) Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
(3) Thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng viễn thông công cộng được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.
(4) Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet), trừ các trường hợp sau đây:
- Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;
- Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?