Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Danh sách văn bản hướng dẫn

Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện quy định của Bộ luật Lao động 2019. Dưới đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

1. Thế nào là thời giờ làm việc?

Thời giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian mà người lao động phải thực hiện nghĩa vụ lao động của mình trong quan hệ lao động căn cứ vào quy định của pháp luật.

Thời giờ làm việc bình thường được quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

- Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Danh sách văn bản hướng dẫn về Thời giờ nghỉ ngơi (Hình từ Internet)

2. Thế nào là thời giờ nghỉ ngơi?

Thời giờ nghỉ ngơi được hiểu là khoảng thời gian mà người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động của mình trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Theo Bộ luật Lao động 2019, thời giờ nghỉ ngơi bao gồm các loại sau: Nghỉ trong giờ làm việc; Nghỉ chuyển ca; Nghỉ hằng tuần; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hằng năm; Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được quy định cụ thể như sau:

(1) Chế độ nghỉ trong giờ làm việc được quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019

- Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động 2019 từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

- Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

- Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

(2) Chế độ nghỉ chuyển ca được quy định tại Điều 110 Bộ luật Lao động 2019 

Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

(3) Chế độ nghỉ hàng tuần được quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019

- Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

- Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

(4) Chế độ nghỉ hàng năm được quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019

- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

- Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

- Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật Lao động 2019.

- Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

(5) Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc được quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Lao động 2019 được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

(6) Chế độ nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019

- Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

+ Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

- Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

(7) Chế độ nghỉ lễ tết được quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

+Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

+ Tết Âm lịch 05 ngày;

+ Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

+ Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

+ Ngày Quốc khánh 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

- Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Danh sách văn bản hướng dẫn thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1

Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14 có hiệu lực vào 01/01/2021 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Các quy định về thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm việc được quy định tại Chương VII Bộ luật này.
Ngoài ra, một số quy định nổi bật có thể kể đến là Hình thức hợp đồng lao động tại Điều 14, Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 34, Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động tại Điều 35, Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại Điều 36.

2

Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt, việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Mức xử phạt đối với người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định tại Điều 18 Nghị định này. Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt được áp dụng gấp đôi theo khoản 1 Điều 6 Nghị định.

3

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/02/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo các điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động:
+ Quản lý lao động theo khoản 3 Điều 12.
+ Hợp đồng lao động theo khoản 4 Điều 21; điểm d khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 2 Điều 36; khoản 4 Điều 46; khoản 4 Điều 47; khoản 3 Điều 51.
+ Cho thuê lại lao động theo khoản 2 Điều 54.
+ Tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo khoản 4 Điều 63.
+ Tiền lương theo khoản 3 Điều 92; khoản 3 Điều 96; khoản 4 Điều 98.
+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo khoản 5 Điều 107, khoản 7 Điều 113, Điều 116.
+ Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo khoản 5 Điều 118; khoản 6 Điều 122; khoản 2 Điều 130; Điều 131.
+ Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo khoản 6 Điều 135.
+ Lao động là người giúp việc gia đình theo khoản 2 Điều 161.
+ Giải quyết tranh chấp lao động theo khoản 2 Điều 184; khoản 6 Điều 185; khoản 2 Điều 209; khoản 2 Điều 210.
Quy định chi tiết về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định tại Chương VII Nghị định. Một số quy định nổi bật là thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương tại Điều 58, Sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ tại Điều 59.

4

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực vào 01/02/2022 quy định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Quy định đáng lưu ý trong Thông tư là Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm tại Điều 6, Thời giờ nghỉ ngơi tại Điều 7.

5

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực vào 15/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên:
+ Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 145.
+ Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm theo quy định tại khoản 3 Điều 143.
+ Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định tại khoản 2 Điều 146.
+ Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định khoản 3 Điều 147.
Trong đó, thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi được quy định tại Điều 3 Thông tư này.

6

Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 20/2023/TT-BCT có hiệu lực vào 25/12/2023 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. 
Các nội dung nổi bật trong Thông tư là Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên tại Điều 4, Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên tại Điều 5, Thời giờ nghỉ ngơi tại Điều 8.

7

Thông tư 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 12/2022/TT-BCT có hiệu lực vào 09/09/2022 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.
Các nội dung đáng quan tâm trong Thông tư là quy định Thời giờ làm việc tại Điều 4, Làm thêm giờ tại Điều 5, Nghỉ trong giờ làm việc tại Điều 6.

8

Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 04/2021/TT-BCT có hiệu lực vào 01/09/2021 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò. Nội dung quan trọng trong Thông tư là quy định về Thời giờ làm việc tại Điều 4, Làm thêm giờ tại Điều 5, Nghỉ trong giờ làm việc tại Điều 6, Nghỉ chuyển ca; Nghỉ hằng tuần; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tại Điều 7.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.72.44
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!