Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý, bảo vệ rừng mới nhất

Dưới đây là danh sách các văn bản nổi bật về quản lý, bảo vệ rừng do THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp.

1. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng

Căn cứ Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 248 Luật Đất đai 2024) có quy định về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng, theo đó bao gồm các nội dung sau đây:

- Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

- Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.

- Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.

- Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

- Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

- Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

- Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng hợp văn bản quy định về quản lý, bảo vệ rừng mới nhất 2024 (Hình từ Internet)

2. Phòng cháy và chữa cháy rừng được quy định như thế nào?

Theo Điều 39 Luật Lâm nghiệp 2017 thì nội dung về phòng cháy, chữa cháy rừng được quy định cụ thể như sau:

- Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động trong rừng, xây dựng công trình ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng.

- Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời.

- Trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp, việc chữa cháy rừng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

- Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại rừng

Căn cứ Điều 40 Luật Lâm nghiệp 2017, việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng được quy định cụ thể như sau:

- Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.

- Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê thì phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ biện pháp phòng, trừ; tăng cường áp dụng biện pháp lâm sinh, sinh học trong phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức dự báo tình hình dịch bệnh; chỉ đạo biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

- Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng tại địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang địa phương khác.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về quản lý, bảo vệ rừng mới nhất

1

Luật Lâm nghiệp 2017

Luật Lâm nghiệp 2017 số 16/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Trong đó, nội dung về quản lý, bảo vệ rừng được quy định cụ thể tại Chương III và Chương IV Luật này với một số nội dung đáng chú ý như là quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng tại Mục 1 Chương III hay quy định về Phòng cháy và chữa cháy rừng tại Điều 39.

2

Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

Nghị định 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, bao gồm:

- Tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và Quy chế quản lý rừng.

- Giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.

- Phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

- Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

- Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Trong đó, nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng được quy định tại Chương II về quy chế quản lý rừng; Chương III về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng, và Chương IV về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3

Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Nghị định 01/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2019 quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm lâm tại Mục 1 Chương II; hay quy định về trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với kiểm lâm tại Mục 3 Chương II.

4

Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Nghị định 06/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2019 quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) tại Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định tại Điều 4 về danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; quy định tại Điều 5 về bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; quy định tại Điều 8 về xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người.

Bên cạnh đó, Chương III Nghị định này quy định về thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

5

Nghị định 58/2024/NĐ-CP về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp

Nghị định 58/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 quy định một số chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản; Chương III quy định về cơ chế và nguồn vốn.

6

Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

Nghị định 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/07/2024.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.

Về nội dung đáng chú ý, Nghị định này sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 156/2018/NĐ-CP về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng tại Khoản 7 Điều 1; hay sửa đổi, bổ sung Điều 32 Nghị định 156/2018/NĐ-CP về hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất tại Khoản 16 Điều 1.

7

Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Nghị định 84/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2021, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Về nội dung đáng chú ý, Nghị định này thay thế Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP bằng Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

8

Nghị định 27/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

Nghị định 27/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/03/2024, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.

Theo đó, Nghị định này bổ sung thêm Khoản 9 sau Khoản 8 Điều 3 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định về khái niệm "tạm sử dụng rừng" và bổ sung Điều 42a quy định cụ thể về vấn đề tạm sử dụng rừng.

9

Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

Nghị định 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu gỗ; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT.

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu; và Chương III quy định về phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.

10

Nghị định 120/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

Nghị định 120/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Về nội dung đáng chú ý, Nghị định này sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 102/2020/NĐ-CP về hồ sơ gỗ nhập khẩu tại Khoản 7 Điều 1; hay sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định 102/2020/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan Kiểm lâm, Cơ quan cấp phép, cơ quan Hải quan và của tổ chức, cá nhân có liên quan tại Khoản 22 Điều 1.

11

Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định chi tiết về nội dung điều tra, kiểm kê rừng; phương pháp, quy trình điều tra, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến rừng.

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về phân chia rừng; Chương III quy định về điều tra rừng; và Chương IV quy định về kiểm kê rừng.

12

Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về biện pháp lâm sinh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định các biện pháp lâm sinh, bao gồm:

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung;

- Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng;

- Cải tạo rừng tự nhiên;

- Trồng rừng mới, trồng lại rừng; chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định tại Mục 2 Chương II về nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng và cải tạo rừng tự nhiên; hay quy định tại Mục 3 Chương II về trồng mới rừng, trồng lại rừng, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng.

13

Thông tư 17/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về biện pháp lâm sinh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 17/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về biện pháp lâm sinh.

14

Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; trình tự, thủ tục công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tiêu chí loài cây trồng lâm nghiệp chính tại Điều 4; quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính tại Điều 5; hay quy định về tiêu chí công nhận giống cây trồng lâm nghiệp tại Điều 6.

15

Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 quy định về:

- Trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.

- Hồ sơ lâm sản hợp pháp, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

- Đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi tắt là CITES), trừ loài thủy sản.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường; Chương IV quy định về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

16

Thông tư 13/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 13/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/02/2024.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững.

17

Thông tư 22/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 22/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/02/2024.

Thông tư này sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, chẳng hạn như là:

- Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

- Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

- Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

- Thông tư số 12/2019/TT-BNNPTNT quy định về thống kê ngành lâm nghiệp

18

Thông tư 21/2023/TT-BNNPTNT về Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về Lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 21/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/02/2024 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ xác định chi phí thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật một số biện pháp lâm sinh; Chương III quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật tuần tra bảo vệ rừng.

19

Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT quy định về phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc sở hữu toàn dân.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về phương pháp định giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Chương III quy định về phương pháp định giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng trồng.

20

Thông tư 11/2024/TT-BNNPTNT quy định định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 11/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 24/10/2024 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng.

21

Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định chi tiết nội dung phương án quản lý rừng bền vững; trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; tiêu chí quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về nội dung phương án quản lý rừng bền vững; Chương IV quy định về tiêu chí quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.37.43
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!