Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quan trọng hướng dẫn về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

1. Phân loại bệnh truyền nhiễm

Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định về phân loại bệnh truyền nhiễm như sau:

Nhóm A

Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

Nhóm B

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika;

Nhóm C

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

Tất tần tật các văn bản hướng dẫn về phòng,  chống bệnh truyền nhiễm (Hình từ Internet)

2. Những hành vi bị nghiêm cấm phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

* Một số hoạt động vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm cần lưu ý:

Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt

Vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Vệ sinh trong xây dựng

Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt

3. Danh sách văn bản quan trọng hướng dẫn về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số hiệu 03/2007/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2008 quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người.

2

Nghị định 89/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới

Nghị định 89/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/08/2018 quy định về thu thập thông tin, khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam và thi thể, hài cốt (bao gồm cả tro cốt), mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam; giám sát, kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu; tổ chức kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.

3

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/11/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Hành vi, mức xử phạt đối với vi phạm hành chính liên quan đến công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được quy định cụ thể tại các điều sau:

- Điều 5 Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

- Điều 6 Vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm;

- Điều 7 Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm;

- Điều 10 Vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4

Nghị định 103/2016/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm

Nghị định 103/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở có phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người của tổ chức, cá nhân, gồm: Phân loại vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm và cơ sở xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học; Điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học và công bố cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; kiểm tra an toàn sinh học; phòng ngừa, xử lý và khắc phục sự cố an toàn sinh học.

5

Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch

Nghị định 101/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2010.

Một số nội dung đáng chú ý:

- Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà (Điều 3);

- Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế (Điều 4);

- Các trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế (Điều 8);

- Thủ tục tiến hành cưỡng chế cách ly y tế (Điều 10);

- Chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế (Điều 14).

6

Thông tư 32/2012/TT-BTC quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế do Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 32/2012/TT-BTC có hiệu lực ngày 15/04/2012 quy định cụ thể chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế, bao gồm: cách ly y tế (Điều 2), cưỡng chế cách ly y tế; nguồn kinh phí thực hiện; trách nhiệm chi trả và công tác quản lý kinh phí thực hiện chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ cách ly y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

7

Thông tư 17/2019/TT-BYT hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 hướng dẫn giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Chú ý:

Đối tượng giám sát: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Theo Điều 7 quy định quy trình giám sát, bao gồm các bước sau:

- Thu thập số liệu, thông tin.

- Phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả.

- Đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Đề xuất biện pháp can thiệp.

- Báo cáo và chia sẻ thông tin.

8

Thông tư 37/2017/TT-BYT quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 37/2017/TT-BYT có hiệu lực ngày 15/12/2017 quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người. Trong đó Điều 3. Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I; Điều 4. Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II; Điều 5. Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III và Điều 6. Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp IV.

9

Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 54/2015/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/07/2016 hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm

Điều 1 quy định các trường hợp phải thông tin báo cáo: Khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Khi phát hiện ổ dịch bệnh truyền nhiễm, khi ổ dịch bệnh truyền nhiễm đang hoạt động và khi ổ dịch bệnh truyền nhiễm chấm dứt hoạt động. Khi triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Khi có yêu cầu báo cáo để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của cấp trên.

Các hình thức báo cáo theo Điều 3 như sau: Báo cáo trực tuyến; Báo cáo bằng văn bản và Hình thức khác

10

Thông tư 18/2013/TT-BYT quy định vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 18/2013/TT-BYT có hiệu lực ngày 15/08/2013 quy định vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh truyền nhiễm.

11

Thông tư 24/2018/TT-BYT quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 24/2018/TT-BYT có hiệu lực ngày 15/11/2018 quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin. Trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin của Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chú ý Điều 2, Điều 3 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu thành viên của Hội đồng cấp Bộ và cấp tỉnh.

12

Thông tư 5/2020/TT-BYT sửa đổi Thông tư 24/2018/TT-BYT quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 5/2020/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/06/2020 sửa đổi một số điểm của Điều 2 và Điều 5 Thông tư 24/2018/TT-BYT quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin.

13

Thông tư 40/2018/TT-BYT quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 40/2018/TT-BYT có hiệu lực ngày 25/01/2019 quy định việc quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm nhằm mục đích dự phòng, nghiên cứu, chẩn đoán, chữa bệnh cho người, bao gồm: thu thập (Điều 3), bảo quản, đóng gói (Điều 4), lưu giữ, s dụng (Điều 8), trao đổi, tiêu hủy (Điều 9), vận chuyn mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm ra khỏi cơ sở xét nghiệm (Điều 6).

14

Thông tư 17/2021/TT-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 17/2021/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/01/2022 hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu. Điều 3 có quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy).

15

Thông tư 28/2019/TT-BYT hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 28/2019/TT-BYT có hiệu lực ngày 10/12/2019 quy định nguyên tắc, cơ quan thực hiện, chế độ, hình thức, nội dung, quy trình và thời gian thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới. Điều 5 quy định về nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo; Điều 6 hướng dẫn về quy trình thông tin, báo cáo và Thời gian thông tin, báo cáo được quy định tại Điều 7.

16

Thông tư 10/2024/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 10/2024/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/08/2024 ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

17

Quyết định 02/2016/QĐ-TTg quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 02/2016/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 15/03/2016 quy định điều kiện, trình tự công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Nổi bật như sau:

Điều 2 quy định điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm

Điều 3, Điều 4 quy định trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B và nhóm C 

Điều 5 quy định điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

18

Quyết định 266/QĐ-BYT về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Quyết định 266/QĐ-BYT có hiệu lực ngày 02/02/2024 ban hành về "Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024". Mục tiêu nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

19

Thông tư liên tịch 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT có hiệu lực ngày 15/07/2013 quy định việc phối hợp trong giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, truyền thông, đào tạo, nghiên cứu khoa học về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người giữa các đơn vị của ngành y tế và ngành nông nghiệp. Danh mục các bệnh lây truyền từ động vật sang người được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.140.88
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!