Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Trái phiếu doanh nghiệp: Những văn bản cần phải biết

Trái phiếu là một trong các loại chứng khoán mà doanh nghiệp chào bán để huy động nguồn vốn vay. Dưới đây là các văn bản khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần biết.

Trái phiếu là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: "Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành."

Như vậy, trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành (bên vay) với người sở hữu trái phiếu (bên cho vay) đối với một khoản tiền cụ thể (bằng mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định.

Tổ chức phát hành phải trả lợi tức (là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của tổ chức phát hành) cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.

**Hình thức chào bán trái phiếu

Căn cứ theo khoản 19, khoản 20 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định trái phiếu có thể được phát hành theo 02 hình thức sau đây:

- Chào bán trái phiếu riêng lẻ: Chào bán trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán trái phiếu không thuộc trường hợp chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây

+ Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

+ Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

- Chào bán trái phiếu ra công chúng: Chào bán trái phiếu ra công chúng là việc chào bán trái phiếu theo một trong các phương thức sau đây

+ Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

+ Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

+ Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

(Trái phiếu doanh nghiệp: Những văn bản cần phải biết. Nguồn hình: Internet)

Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm trái phiếu có chủ thể phát hành là doanh nghiệp dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán gốc lẫn lãi cho trái chủ khi đến kỳ hạn. Khi có một nhà đầu tư bất kỳ mua TPDN thì nhà đầu tư sẽ trở thành chủ nợ của công ty, doanh nghiệp đó.

Phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP  có các loại trái phiếu doanh nghiệp sau:

Trái phiếu chuyển đổi: loại trái phiếu do CTCP phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

Trái phiếu có bảo đảm: loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của TCPH hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

Trái phiếu kèm chứng quyền là loại trái phiếu được CTCP phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

Trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc không có tài sản đảm bảo: Là trái phiếu được phát hành không thuộc các trường hợp nêu trên.

Trái phiếu doanh nghiệp xanh: trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi) Khoản 2, 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp như sau:

- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

- Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

- Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.

- Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP khi đáp ứng các quy định sau:

+ Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;

+ Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

- Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

1

Luật Chứng khoán 2019

Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, cần lưu ý các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp:

+ Khoản 3, 4 Điều 15 quy định về Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng;

+ Khoản 3, 4 Điều 18 quy định về hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng ;

+ Điều 31 quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

+ Điều 121 quy định về công bố thông tin của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

2

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó, cần lưu ý các quy định sau:
 
+ Điều 5 quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu;
 
+ Điều 6 quy định về điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu;
 
+ Điều 9 quy định về điều kiện chào bán trái phiếu, trong đó khoản 1 Điều 9 điều kiện đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền; khoản 2 Điều 9 điều kiện đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng; khoản 3 Điều 9 điều kiện đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền;
 
+ Điều 11 quy định về quy trình chào bán trái phiếu;
 
+ Điều 15 quy định về đăng ký, lưu ký trái phiếu;
 
+ Điều 17 quy định về thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

3

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/09/2022 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó, cần lưu ý các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã bị sửa đổi như sau:

+ Khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu;

+ Khoản 5 Điều 1 sửa đổi Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu;

+ Khoản 9 Điều 1 sửa đổi khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP bao gồm một số nội dung của hồ sơ chào bán trái phiếu;

+ Khoản 11 Điều 1 sửa đổi Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ;

+ Khoản 12 Điều 1 sửa đổi Điều 15 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về đăng ký, lưu ký trái phiếu.

 

4

Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2023 sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó sửa đổi một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần lưu ý như sau:

+ Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn;

+ Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

 

5

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019. Trong đó cần lưu ý Điều 7 quy định chung về chào bán, phát hành trái phiếu và một số biểu mãu Giấy đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng (Mẫu số 07); Cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu ra công chúng (Mẫu số 08).

6

Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, hành vi vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ bao gồm cháo bán trái phiếu được quy định tại Mục 1 Chương II; hành vi vi phạm quy định về chào bán chứng khoán bao gồm cháo bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam được quy định Mục 3 Chương II; hành vi vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được quy định tại Mục 3 Chương II.

 

7

Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Nghị định 128/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, một số điều đã bị sửa đổi cần lưu ý như sau:

+ Khoản 4 Điều 1 sửa đổi Điều 5 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

+ Khoản 5 Điều 1 sửa đổi Điều 6 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán;

+ Khoản 7 Điều 1 sửa đổi Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán (bao gồm trái phiếu) riêng lẻ.

 

8

Thông tư 10/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 10/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/09/2022  quy định về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

9

Thông tư 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 30/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước. trong đó, cần lưu ý các quy định của Chương II hướng dẫn về đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

10

Thông tư 122/2020/TT-BTC hướng dẫn về chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 122/2020/ TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 hướng dẫn nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chế độ công bố thông tin và báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó, Mục 1 Chương II hướng dẫn về công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước; Mục 2 Chương II hướng dẫn về công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế và Mục 3 Chương II hướng dẫn về chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu và sở giao dịch chứng khoán.

11

Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó cần lưu ý Điều 4 quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

12

Thông tư 11/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 11/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/08/2024 sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, cần lưu ý tại Điều 1 của Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.163.95
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!