Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Vùng Biển Việt Nam

Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

1. Chế độ pháp lý của các vùng thuộc vùng biển Việt Nam

* Nội Thủy

Điều 9 Luật biển Việt Nam 2012 quy định Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Chế độ pháp lý của nội thủy là Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.

* Lãnh hải

Lãnh hải được quy định tại Điều 11 Luật biển Việt Nam 2012 là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Chế độ pháp lý của lãnh hải

- Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

- Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

- Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

- Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

- Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

* Vùng tiếp giáp lãnh hải

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. (Điều 13 Luật biển Việt Nam 2012)

Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải

- Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 Luật biển Việt Nam 2012 đối với vùng tiếp giáp lãnh hải.

- Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

* Vùng đặc quyền kinh tế

Theo Điều 15 Luật biển Việt Nam 2012, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế

- Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:

+ Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;

+ Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

+ Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

- Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật biển Việt Nam 2012 và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

- Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tại vùng đặc quyền kinh tế được thực hiện theo quy định tại Điều 17Điều 18 Luật biển Việt Nam 2012.

* Thềm lục địa

Thềm lục địa được quy định tại Điều 17 Luật biển Việt Nam 2012 là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

- Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

- Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Chế độ pháp lý của thềm lục địa

- Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.

- Quyền chủ quyền liên quan đến thềm lục địa có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.

- Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.

- Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật biển Việt Nam 2012 và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

* Đảo, quần đảo

Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Văn bản quy phạm pháp luật về Vùng Biển Việt Nam (Hình từ Internet)

2. Chính sách quản lý và bảo vệ biển theo Luật Biển Việt Nam

Theo Điều 5 Luật Biển Việt Nam 2012, chính sách quản lý và bảo vệ Vùng biển được quy định như sau:

- Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển.

- Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển.

- Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan.

- Đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển.

- Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.

3. Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật về Vùng Biển Việt Nam

1

Luật biển Việt Nam 2012

Luật biển Việt Nam 2012 số hiệu 18/2012/QH13 có hiệu lực ngày 01/01/2013 quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Trong đó:

Chương II quy định về Vùng biển Việt Nam

Chương III quy định về Hoạt động trong Vùng biển Việt Nam

Chương IV quy định về Phát triển kinh tế biển

Chương V Tuần tra và kiểm soát trên biển

Chương VI Xử lý vi phạm

2

Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018

Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 số hiệu 33/2018/QH14 có hiệu lực ngày 01/07/2019 quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cụ thể là:

Chương II Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam

Chương III Hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam

Chương IV Phối hợp hoạt động giữa cảnh sát biển việt nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng

Chương V Tổ chức của cảnh sát biển Việt Nam

Chương VI Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển việt nam

3

Nghị định 61/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Nghị định 61/2019/NĐ-CP có hiệu lực ngày 28/08/2019 quy định về tổ chức; trang phục; cờ hiệu, màu sắc, dấu hiệu nhận biết tàu thuyền, xuồng, máy bay; chế độ, chính sách của Cảnh sát biển Việt Nam và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

4

Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

Nghị định 05/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2017 quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Trong đó Chương II quy định về Xử lý tài sản chìm đắm; đơn cử như: Điều 8 quy định thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm; Điều 9 quy định thời hạn trình phương án và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và Điều 11 quy định về nội dung phương án trục vớt tài sản chìm đắm.

5

Nghị định 11/2021/NĐ-CP về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển

Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 30/03/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Chú ý: Tại Điều 5 quy định về Căn cứ giao khu vực biển và Điều 6 quy định về Thời hạn giao, công nhận khu vực biển. Ngoài ra các Chương của Nghị định quy định cụ thể như sau:

Chương II Giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển

Chương III Thu hồi khu vực biển, chấm dứt hiệu lực quyết định giao khu vực biển

Chương IV Phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển

6

Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai

Nghị định 102/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/08/2024 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 6 Điều 3, Điều 9, khoản 2 Điều 10, Điều 16, khoản 4 Điều 22, điểm d khoản 1 Điều 28, khoản 3 Điều 28, khoản 6 Điều 49, Điều 65, khoản 2 Điều 74, khoản 9 Điều 76, khoản 10 Điều 76, Điều 81, Điều 82, Điều 84, Điều 87, Điều 88, điểm b khoản 5 Điều 89, khoản 7 Điều 89, Điều 90, Điều 113, khoản 3 Điều 115, khoản 6 Điều 116, khoản 7 Điều 116, khoản 1 Điều 122, điểm n khoản 3 Điều 124, khoản 8 Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 172, Điều 181, Điều 190, Điều 192, Điều 193, Điều 194, Điều 197, Điều 200, Điều 201, Điều 202, Điều 203, Điều 204, Điều 208, Điều 210, Điều 216, Điều 218, Điều 219, Điều 223, Điều 232, khoản 8 Điều 234, khoản 7 Điều 236, khoản 2 Điều 240, điểm c khoản 2 Điều 243, điểm b khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.

Trong đó Mục 3 Chương VII có quy định về Hoạt động lấn biển (Từ Điều 70 đến Điều 76)

7

Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam

Nghị định 162/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2014 quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú ý Điều 3 quy định Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền và Điều 4 quy định Biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể:

Chương 2 quy định Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:

Mục 1 Vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Mục 2 Vi phạm các quy định về hàng hải, ngoài vùng nước cảng biển

Mục 3 Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển

Chương 3 quy định Thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.

8

Nghị định 23/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 162/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam

Nghị định 23/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/05/2017 sửa đổi Nghị định 162/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam. Cụ thể sửa đổi một số điều như: Điều 7 Vi phạm quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch; Điều 15. Vi phạm quy định về vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa trái phép trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng.

9

Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam

Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 22/07/2022 sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam. Trong đó tại Điều 3 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 162/2013/NĐ-CP như sau: Điều 1b. Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 18. Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển; Điều 26a. Vi phạm trong việc thực hiện Giấy phép nhận chìm ở biển và Điều 27. Vi phạm các quy định khác về bảo vệ môi trường biển.

10

Thông tư 105/2022/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam, Nghị định 23/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 105/2022/TT-BQP có hiệu lực ngày 16/02/2023 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

11

Thông tư 18/2021/TT-BTNMT quy định về mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thông tư 18/2021/TT-BTNMT có hiệu lực ngày 15/12/2021 quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể Điều 2 quy định Mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển 6 hải lý và vùng biển liên vùng và Điều 3 quy định Mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển từ 6 hải lý cho đến hết vùng biển của Việt Nam.

12

Thông tư 16/2013/TT-BGTVT Quy định quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 16/2013/TT-BGTVT có hiệu lực ngày 15/09/2013 quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thuộc vùng biển Việt Nam, bao gồm các quy định về cảng, bến, phương tiện, thuyền viên và hoạt động vận tải thủy trên tuyến.

Tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thuộc vùng biển Việt Nam bao gồm các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này và các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

13

Thông tư 28/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 28/2019/TT-BTNMT có hiệu lực ngày 18/02/2020 quy đnh kỹ thuật về đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét  vùng bin Việt Nam. Cụ thể: Điều 5 quy định nội dung đánh giá chất nạo vét; Điều 6 Các bước đánh giá chất nạo vét và Điều 14 quy định nội dung xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét; Điều 15 Các bước xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét.

14

Thông tư 15/2019/TT-BQP về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 15/2019/TT-BQP có hiệu lực ngày 01/07/2019 quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam. Chú ý về Quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được quy định tại Chương II (Từ Điều 12 đến Điều 28).

15

Thông tư 07/2024/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 07/2024/TT-BTC có hiệu lực ngày 21/03/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (phí thẩm định cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam). Về mức thu phí được quy định cụ thể tại Điều 4.

16

Quyết định 1287/QĐ-BNN-KN năm 2024 về Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2024-2028 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Quyết định 1287/QĐ-BNN-KN năm 2024 có hiệu lực ngày 08/05/2024 về Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2024-2028. Nhằm mục đích quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thú biển nhằm duy trì đa dạng sinh học tại vùng biển Việt Nam, giảm thiểu đánh bắt không chủ ý thú biển trong khai thác thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu và trách nhiệm quốc gia thành viên quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải thành viên nhưng có hợp tác.

17

Quyết định 804/QĐ-TTg năm 2022 công bố Danh mục cảng biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 804/QĐ-TTg năm 2022 có hiệu lực ngày 08/07/2022 công bố Danh mục cảng biển Việt Nam gồm có 34 cảng biển.

18

Quyết định 1490/QĐ-BGTVT năm 2023 về công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Quyết định 1490/QĐ-BGTVT năm 2023 có hiệu lực ngày 15/11/2023 về công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Trong đó có 296 Bến Cảng và 14 Cảng dầu khí.

19

Công ước về Luật biển năm 1982

Công ước về Luật biển năm 1982 được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305 khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.108.144
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!