Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Sinh trắc học: Tổng hợp quy định pháp luật mới nhất

Từ 01/7/2024 nhiều giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Dưới đây là những văn bản pháp luật quy định về sinh trắc học cần biết

1. Sinh trắc học là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023 thì sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

Sinh trắc học: Tổng hợp quy định pháp luật mới nhất (Hình từ Internet)

2. Giao dịch chuyển tiền nào phải xác thực sinh trắc học?

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến có giá trị hơn 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng sẽ buộc phải xác thực sinh trắc học.

Cụ thể:

- Thực hiện chuyển tiền từ dưới 10 triệu đồng/lần; tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP thì không cần xác thực bằng khuôn mặt.

- Thực hiện chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần thì giao dịch chuyển tiền này bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt.

- Nếu thực hiện giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã đến mốc 20 triệu thì nếu thực hiện tiếp lần chuyển tiếp theo trong ngày đó dù giá trị bao nhiêu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

3. Các trường hợp phải ra ngân hàng nếu chưa xác thực sinh trắc học ngân hàng

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN thì dữ liệu khuôn mặt mà các ngân hàng thu thập được buộc phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân do chính cơ quan công an công an cấp; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập.

Như vậy, từ 01/7/2024, 4 trường hợp sau đây phải ra ngân hàng nếu muốn chuyển khoản trên 10 triệu một lần hoặc trên 20 triệu trong ngày:

- Khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip hoặc thẻ căn cước, chỉ có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch

- Khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống

- Khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng. Nhưng từ 01/7/2024, khuôn mặt của khách hàng không khớp với dữ liệu trong căn cước công dân gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng, hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng cũng phải ra quầy giao dịch

- Trường hợp ách tắc giao dịch trong một số ngày đầu tiên khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN chính thức có hiệu lực khiến giao dịch chuyển tiền giá trị lớn bị nghẽn, khách hàng cũng phải ra quầy nếu có nhu cầu.

4. Tổng hợp văn bản pháp luật quy định về Sinh trắc học

1

Luật Căn cước 2023

Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Theo điểm khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023 thì  sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác. Ngoài ra, Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật này.

2

Nghị định 70/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước

Nghị định 70/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định chi tiết khoản 26 Điều 9, khoản 11 Điều 10, khoản 4 Điều 12, khoản 2 Điều 16, khoản 5 Điều 16, khoản 6 Điều 22, khoản 5 Điều 23, khoản 5 Điều 25, khoản 6 Điều 29, khoản 6 Điều 30 của Luật Căn cước và việc quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân, xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 09 số, số định danh cá nhân.

Trong đó, việc thu thập, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm thu thập sinh trắc học được quy định cụ thể tại Điều 13 Nghị định này.

3

Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 17/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Điểm c Điều 17 là một trong những quy định đang chú ý của Thông tư này: Từ ngày 01/01/2025, chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức).

4

Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 18/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Trong đó, khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ.

5

Quyết định 2345/QĐ-NHNN năm 2023 triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Quyết định 2345/QĐ-NHNN năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, từ 01/7/2024, bắt buộc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến từ 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, cùng một số giao dịch khác như đăng nhập lần đầu trên ứng dụng, đăng nhập khác thiết bị, đăng nhập lại sau khi quên mật khẩu và đổi mật khẩu thành công.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.255.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!