Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy định về Bình đẳng giới mới nhất

Bình đẳng giới là một phần quan trọng của xã hội dân chủ, công bằng. Bình đẳng giới góp phần đảm bảo mọi người, bất kể giới tính được đối xử công bằng và có cơ hội như nhau.

1. Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực 

Điều 11 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong chính trị như sau:

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị:

1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.

2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Điều 12 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong kinh tế như sau:

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế:

1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong lao động như sau:

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động:

1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.

3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;

c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Điều 18 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình như sau:

Bình đẳng giới trong gia đình:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Theo đó, Pháp luật về Bình đẳng giới quy định một số nguyên tắc về bình đẳng giới trong các lĩnh vực là bình đẳng giới trong chính trị, bình đẳng giới trong kinh tế, bình đẳng giới trong lao động, bình đẳng giới trong gia đình. Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới 2006 cũng có quy định về bình đẳng giới ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới (Hình từ Internet)

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới và biện pháp khắc phục hậu quả

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 125/2021/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới là một năm.

Điều 4 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật;

b) Buộc xin lỗi công khai;

c) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý cho người bị xâm phạm trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần;

đ) Buộc tiêu hủy tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;

e) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đính chính tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;

g) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, hương ước, quy ước của cộng đồng có sự phân biệt đối xử về giới;

h) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định về tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh có sự phân biệt đối xử về giới;

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

k) Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động đó.

Như vậy, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới bao gồm: Hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Trong đó, phạt cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung.

Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là: Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật; buộc xin lỗi công khai; Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm; buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý cho người bị xâm phạm trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần....

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới 2024

1

Luật Bình đẳng giới 2006

Luật Bình đẳng giới 2006 số 73/2006/QH11 có hiệu lực vào 01/07/2007 quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Một số quy định nổi bật là các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới tại Điều 6, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tại Điều 13, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Điều 19, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 21.

2

Nghị định 39/2015/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số

Nghị định 39/2015/NĐ-CP có hiệu lực vào 15/06/2015. Nội dung quan trọng đáng chú ý là đối tượng được hỗ trợ tại Điều 1 và định mức hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ và phương thức hỗ trợ tại Điều 2. Theo đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp cụ thể được quy định tại Nghị định là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

3

Nghị định 56/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước

Nghị định 56/2012/NĐ-CP có hiệu lực vào 05/09/2012 quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, phường, thị trấn tham gia quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Các nội dung quan trọng tại Nghị định là nguyên tắc phối hợp tại Điều 2, trách nhiệm của các Bộ, ngành tại Điều 3, trách nhiệm của Ủy ban nhân các cấp tại Điều 4.

4

Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

Nghị định 48/2009/NĐ-CP có hiệu lực vào 15/07/2009 quy định chi tiết thi hành khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 4 và khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 23, Điều 24, điểm e và điểm g khoản 2 Điều 32 Luật Bình đẳng giới về:

+ Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới.

+ Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

+ Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

+ Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.

Các nội dung đáng lưu ý trong Nghị định là hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới tại Điều 5, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Điều 14, chấm dứt thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Điều 17.

5

Nghị định 70/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bình đẳng giới

Nghị định 70/2008/NĐ-CP có hiệu lực vào 03/07/2008 quy định chi tiết thi hành các Điều 8, 9, 25, 26, 27, 28, 29 và 30 của Luật Bình đẳng giới về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Các quy định nổi bật có thể kể đến nguyên tắc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại Điều 8, phối hợp trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật và kiến thức về giới và bình đẳng giới tại Điều 11, tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Điều 16.

6

Nghị quyết 107/NQ-CP năm 2023 phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: An ninh quốc gia; Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới; Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác; Tổ chức bộ máy Nhà nước; Trật tự, an toàn xã hội và 08 đề mục do Chính phủ ban hành

Nghị quyết 107/NQ-CP có hiệu lực vào 18/07/2023 phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: An ninh quốc gia; Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới; Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác; Tổ chức bộ máy nhà nước; Trật tự, an toàn xã hội và 08 đề mục.

7

Quyết định 1576/QĐ-BKHĐT năm 2022 Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Quyết định 1576/QĐ-BKHĐT có hiệu lực vào 19/09/2022 ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

8

Quyết định 64/QĐ-UBDT năm 2022 Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2022-2030 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

Quyết định 64/QĐ-UBDT có hiệu lực vào 28/01/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2022-2030.

9

Quyết định 383/QĐ-BGDĐT năm 2022 về Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quyết định 383/QĐ-BGDĐT có hiệu lực vào 26/01/2022 ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10

Quyết định 5658/QĐ-BYT năm 2021 Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Quyết định 5658/QĐ-BYT có hiệu lực vào 11/12/2021 ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030.

11

Quyết định 1790/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 1790/QĐ-TTg có hiệu lực vào 23/10/2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

12

Quyết định 2700/QÐ-BVHTTDL năm 2022 về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới trong gia đình do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Quyết định 2700/QĐ-BVHTTDL có hiệu lực vào 28/10/2022 ban hành kèm Kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới trong gia đình.

13

Quyết định 840/QĐ-UBDT năm 2021 phê duyệt Kế hoạch “Thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025” do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

Quyết định 840/QĐ-UBDT có hiệu lực vào 14/12/2021 ban hành kèm Kế hoạch “Thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025”.

14

Quyết định 1898/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 1898/QĐ-TTg có hiệu lực vào 28/11/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”.

15

Hướng dẫn 55/HD-TLĐ về công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Hướng dẫn 55/HD-TLĐ có hiệu lực vào 30/03/2022 về công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.239.145
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!