Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Toàn bộ văn bản quy định về quyên góp, khắc phục hậu quả thiên tai

Khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất phát triển kinh tế.

1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai

Theo quy định tại Điều 30 Luật phòng, chống thiên tai 2013 được bổ sung bởi khoản 17 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 quy định như sau:

- Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

+ Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

+ Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

+ Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

+ Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

+ Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

+ Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

- Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

+ Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật phòng, chống thiên tai 2013;

+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

+ Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều 30 Luật phòng, chống thiên tai 2013.

Quy định về quyên góp, khắc phục hậu quả thiên tai (Hình từ Internet)

2. Quyên góp, cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Căn cứ Điều 33 Luật phòng, chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 quy định huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ như sau:

- Nguyên tắc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được quy định như sau:

+ Việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ phải tuân theo quy định của pháp luật, căn cứ vào mức độ thiệt hại, chia sẻ thông tin và phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, công khai và tránh trùng lặp;

+ Việc cứu trợ cần tập trung đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương.

- Thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực của Nhà nước theo thẩm quyền để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về dự trữ quốc gia. Việc hỗ trợ dài hạn thực hiện theo kế hoạch hằng năm;

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai, ưu tiên cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật phòng, chống thiên tai 2013;

+ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động quyên góp, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vận động quyên góp, tiếp nhận nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp nhận, phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn;

+ Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn;

+ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai và chuyển giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.

- Chính phủ quy định cụ thể việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Danh mục văn bản quy định về hoạt động quyên góp, khắc phục hậu quả thiên tai

1

Luật phòng, chống thiên tai 2013

Luật phòng, chống thiên tai 2013 có hiệu lực từ ngày 01/05/2014 quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.
Trong đó Khoản 3 Điều 9 quy định về ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Điều 10 quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai
Mục 3 Chương II quy định về khắc phục hậu quả thiên tai 

2

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai
Trong đó, Điều 1 Luật này sửa đổi quy định về ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

3

Luật Phòng thủ dân sự 2023

Luật Phòng thủ dân sự 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Trong đó, Điều 45 Luật này quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả sự cố, thảm họa do thiên tai
Khoản 4 Điều 54 Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

4

Nghị định 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai

Nghị định 78/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2021 quy định về thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn tài chính, nội dung chi, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quy trình điều tiết, công khai thông tin và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.
Trong đó, Chương II quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương
Chương III quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh
Chương IV quy định về quy trình điều tiết Quỹ phòng, chống thiên tai

5

Nghị định 66/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi

Nghị định 66/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/08/2021 quy định: Trách nhiệm truyền tin, tần suất, thời lượng phát tin, mạng lưới, trang thiết bị thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai; tình huống khẩn cấp về thiên tai, các loại dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai và cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Trong đó, Mục 3 Chương II quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai; các loại dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Mục 3 Chương II quy định hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai
Ngoài ra, ban hành kèm theo Nghị định này là Mẫu đơn đăng ký hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

6

Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Nghị định 30/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/05/2017 quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: Hệ thống tổ chức, hoạt động ứng phó; giáo dục, huấn luyện, diễn tập; nguồn ngân sách, phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách; trang thiết bị, trang phục; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, Điều 10 quy định về phân cấp ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai
Điều 30 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác bố trí ngân sách tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai tại địa phương

7

Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Nghị định 02/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2017 quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm, được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Trong đó, Điều 5 quy định về mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai

8

Nghị định 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai

Nghị định 50/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/06/2020 quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Trong đó, Chương III quy định về quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai
Chương IV quy định về quản lý khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai
Ngoài ra, ban hành kèm theo Nghị định này là Mẫu văn kiện viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai

9

Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 03/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 28/03/2019 quy định việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Trong đó, Chương IV quy định về khắc phục hậu quả thiên tai

10

Thông tư 22/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Thông tư 22/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/08/2023 sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BGTVT
Trong đó, Điều 1 bổ sung quy định dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thành khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông; hồ sơ hoàn thành dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

11

Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 43/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/03/2022 sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BGTVT
Trong đó, Điều 1 bổ sung quy định xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai; sửa đổi quy định về hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông

12

Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 25/07/2021 hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai
Trong đó, tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là quy định biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.89.50
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!